Triển khai thi hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ​

Ngày 2-10 tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) tổ chức Hội thảo Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, ở Việt Nam, quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp luật sư được quy định lần đầu tiên tại Pháp lệnh về luật sư năm 2001. Hơn 10 năm sau, tháng 7-2011, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam tại Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ. Từ đó đến nay, Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam là cơ sở xây dựng các giá trị chuẩn mực về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư; hướng dẫn hành vi ứng xử cho luật sư trong quá trình hành nghề.

Tháng 10-2019, UNDP đã hỗ trợ VBF tổ chức Hội thảo tham vấn thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Ngày 13-12-2019, Hội đồng Luật sư toàn quốc chính thức ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam sửa đổi kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ.

Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019 gồm 6 chương, 32 quy tắc. Theo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết Bộ quy tắc mới quy định rõ và cụ thể hơn về những vấn đề đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam trong quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong bối cảnh cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Đại diện các đoàn luật sư đã bày tỏ sự nhất trí với nội dung Bộ Quy tắc, song cho rằng để Bộ Quy tắc này được triển khai có hiệu quả, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể cho dễ hiểu, dễ thực hiện và có các chế tài xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; cố tình vi phạm hoặc tái phạm.

Tin cùng chuyên mục