Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Mới đây Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT); nhấn mạnh cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển CNHT. 

Về giải pháp tài chính, tín dụng, Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp (DN) CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của DN để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Cùng thời điểm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 124/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giao Bộ Công thương hoàn thiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp ưu tiên.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm... Chương trình đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển công nghiệp... 

Thời gian qua, thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách được ban hành từ trung ương, bộ ngành và địa phương đã mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển CNHT nói riêng và ngành công nghiệp chủ lực nói chung. Đơn cử, tại TPHCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ DN công nghiệp, đặc biệt CNHT phục hồi và phát triển sau dịch. Về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT giai đoạn 2018-2020 đã có 1.500 lượt DN, đơn vị tiếp cận các chính sách theo chương trình kích cầu.

Hiện đã có 24 dự án đầu tư của DN CNHT thực hiện đầu tư trên địa bàn TPHCM được phê duyệt, tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trong đó, số vốn được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 1.000 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho dự án lĩnh vực CNHT  là 100%, thời gian tối đa 7 năm… 

Từ cách làm của TPHCM, nếu các địa phương cũng mạnh dạn và sáng tạo sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp chủ lực phát triển như mong đợi của Chính phủq

Tin cùng chuyên mục