Triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Là một trong những dự án (DA) trọng điểm quốc gia, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có chiều dài 53,7km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 18.000 tỷ đồng được đề xuất khởi công trong năm 2023, cơ bản hoàn thành trong năm 2025. DA góp phần mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối liên vùng và “giải cứu” quốc lộ 51 đang oằn mình vì quá tải.
Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào tháng 5-2022
Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào tháng 5-2022

Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai dài 34km, với tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 5.200 tỷ đồng. HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua việc bố trí ngân sách cho DA hơn 2.600 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; trong trường hợp tăng vốn đầu tư, tỉnh sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm để đảm bảo tiến độ DA. Để xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi gần 373ha đất thuộc TP Biên Hòa, huyện Long Thành và bố trí tái định cư cho hơn 2.000 hộ dân. Hiện có 4 khu đất ở phường Phước Tân và Tam Phước (TP Biên Hòa) và 2 khu đất với tổng diện tích hơn 62ha ở xã Long Đức và Long Phước (huyện Long Thành) công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn. Từ thực tiễn công tác giải phóng mặt bằng DA sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ, Quốc hội xem xét tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành DA độc lập.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng, DA cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hoàn thành sẽ tạo sự thông thoáng trong kết nối giữa 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, mở ra sự liên kết các tuyến giao thông kết nối ở Đông Nam bộ và TPHCM. Khi có sự kết nối này, hiệu quả của sân bay Long Thành và cảng biển sẽ được phát huy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư là bắt buộc, không chờ đợi hồ sơ DA cao tốc hoàn chỉnh mới thực hiện và việc chuẩn bị các thủ tục phải gấp rút hoàn thành trong năm 2022, để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Sớm hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư

Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động phối hợp với Trung ương và tỉnh Đồng Nai nhằm nhanh chóng thúc đẩy triển khai DA cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Với tâm thế sẵn sàng triển khai dự án, ngay tháng 3-2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho DA do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Cuối tháng 5-2022, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thông quan nghị quyết thống nhất bố trí vốn ngân sách địa phương để chi trả 50% chi phí giải phóng mặt bằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thành lập một Ban chỉ đạo nhằm điều động, phân bổ và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn khi triển khai DA.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km, trong đó đoạn qua thị xã Phú Mỹ dài 15,7km, đoạn qua TP Bà Rịa dài 3,8km. Để thực hiện DA, cơ quan chức năng phải thu hồi hơn 242ha đất của hơn 3.780 hộ dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, hơn 2 năm qua, tỉnh đã nỗ lực chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nên đã bố trí hơn 600 suất tái định cư (mỗi suất 100m2) cho các hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời, giải tỏa. Tỉnh cũng cân đối ngân sách, dự trù vật liệu xây dựng ở các mỏ để trong năm 2022 hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư và năm 2023 sẽ khởi công DA theo đúng tiến độ đề ra.

Cùng với đó, để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến cao tốc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai đang tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc như: cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường Phước Hòa - Cái Mép, các tuyến đường ven biển, tuyến đường đấu nối với điểm cuối của DA (nút giao quốc lộ 56, TP Bà Rịa) đến vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) và đi tiếp tới vòng xoay quốc lộ 51B (TP Vũng Tàu). Cả hai địa phương đều kỳ vọng DA sẽ tạo động lực mạnh mẽ để liên kết vùng, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, khơi thông được tiềm lực, thế mạnh của các tỉnh, thành trong khu vực và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25-7 triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16-6 của Quốc hội về chủ trương đầu tư DA đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và giao UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt DA thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản; Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt DA với DA thành phần do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.

Tin cùng chuyên mục