Triển khai Đề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ngày 22-11, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị Triển khai Đề án nâng cao năng lực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025.

Phế phẩm từ rơm đang được người dân ĐBSCL tận dụng trong nhiều mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 854/QĐ-TTg (ngày 19-7-2022). Phạm vi của đề án sẽ được triển khai tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu chung của đề án là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại nhằm phát triển bền vững các HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Tính đến hết tháng 10-2022, vùng ĐBSCL có 2.546 HTX nông nghiệp (chiếm 15% số HTX nông nghiệp cả nước), tăng 1.379 HTX so với năm 2012, là vùng có số lượng HTX tăng nhiều nhất.

Để triển khai có hiệu quả đề án, Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL đã xác định một số nhiệm vụ từ nay cho đến năm 2025 như: Truyền thông, nâng cao nhận thức về tác động, biện pháp thích ứng với BĐKH; Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, thành viên HTX nông nghiệp; Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; Phát triển sinh kế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các HTX nông nghiệp; Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng…

Triển khai Đề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL ảnh 2 Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp tại ĐBSCL có các hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với BĐKH hiệu quả, thế nhưng các hoạt động thích ứng của các HTX thời gian qua còn mang tính tự phát, số lượng HTX chủ động thực hiện chưa nhiều.

Trong khí đó, BĐKH đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, các HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, như: nhận thức, hiểu biết của người dân và HTX về BĐKH chưa cao; chưa tổ chức áp dụng đồng bộ các giải pháp hiệu quả thích ứng với BĐKH; chưa lồng ghép được giải pháp thích ứng với BĐKH trong xây dựng và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh; thiếu nhân lực, thông tin, phương tiện, máy móc, dụng cụ quan trắc BĐKH…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Để đạt được mục tiêu của đề án, các cơ quan có liên quan và các địa phương ĐBSCL cần đặt quyết tâm cao, tập trung bàn bạc kỹ các giải pháp triển khai hiệu quả nhất. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ biến thách thức BĐKH thành tiềm năng, cơ hội lớn để chuyển đổi sản xuất, thích ứng và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục