Triển khai chương trình “công chức, viên chức, công nhân lao động văn hóa”...

Chiều 12-10 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ VHTT-DL đã tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cùng lễ ký kết chương trình phối hợp giữa hai bên về xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức và công nhân lao động giai đoạn 2021-2026. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng Bộ trưởng Bộ VHTT-DL chủ trì. 
Hội nghị về xây dựng đời sống văn hóa do Công đoàn Việt Nam và Bộ VHTT-DL tổ chức chiều 12-10

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định, thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, với nhận thức xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức, công nhân lao động là một bộ phận quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTT-DL đã triển khai Chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức, công nhân lao động; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. 

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, xây dựng và phát triển văn hóa, con người được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ chiến lược, cần phải được thực hiện thường xuyên với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở. 

“Trong nhiệm vụ chung đó, việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, nâng cao thể chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động với vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, càng cần phải được coi trọng”- ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh. 
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc hội nghị 

Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đoàn viên, công nhân lao động. Bên cạnh những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhân dân và kinh tế - xã hội, dịch bệnh cũng cho thấy những vấn đề về văn hóa rất đáng quan tâm, suy ngẫm. 

Nhiều giá trị tích cực tiếp tục được phát huy, nhân lên như: lòng yêu nước, yêu thương con người, sự hy sinh và sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn; tinh thần tận tụy, hết lòng vì đoàn viên, người lao động của những cán bộ công đoàn nơi tâm dịch... 
“Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà chúng ta không thể không băn khoăn như: hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh, lôi kéo, kích động người dân và công nhân lao động, sự vô cảm hay trục lợi trong khó khăn, phát lộ nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật với người lao động, bỏ mặc người lao động trong khó khăn…” - Chủ tịch Công đoàn Việt Nam nêu các mặt còn hạn chế trong đời sống văn hóa xã hội.  

Những vấn đề đáng quan tâm, suy ngẫm đó là động lực thôi thúc Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTT-DL tăng cường phối hợp triển khai Chương trình xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao sức khỏe trong công chức, viên chức, công nhân lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Báo cáo tổng kết Chương trình phối hợp của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTT-DL trong 5 năm từ 2016-2021, hai bên đã cùng xây dựng kế hoạch tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa công chức, viên chức, công nhân lao động theo từng chủ đề, hình thức chuyển tải khác nhau như: “Ứng xử văn hóa – chìa khóa vạn năng”; “Sống thử - hậu quả thật”, “Sách - vitamin tâm hồn”, “Tiêu chí tác phong lao động công nghiệp”, “Mạng xã hội - thế giới ảo - cảm xúc thật”, “Khỏe để góp phần nâng cao năng suất lao động”…

Về xây dựng hệ thống các thiết chế công đoàn, tính đến hết năm 2020, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (trung tâm văn hoá, trung tâm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa - điện ảnh, trung tâm thông tin triển lãm...); 700 quận, huyện có trung tâm văn hoá - thể thao hoặc nhà văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 96,5%; 7.945 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá - thể thao, đạt tỷ lệ 74,5%; 78.273 làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hoá.

Tin cùng chuyên mục