Triển khai CDIO đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thành lập năm 2006 với tiền thân là Trung tâm Phát triển Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐH CNTT) hiện có quy mô đào tạo hệ ĐH chính quy 5.000 sinh viên, đào tạo sau ĐH khoảng 1.000 sinh viên, là một trong những trường ĐH có quy mô và uy tín cao về đào tạo nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam. Việc đưa mô hình CDIO với 12 tiêu chuẩn đánh giá vào hoạt động, nhà trường đã góp phần tăng chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên.
 Sinh viên tham gia trò chơi Lập trình tiếp sức trong môn Nhập môn lập trình
 Sinh viên tham gia trò chơi Lập trình tiếp sức trong môn Nhập môn lập trình
Thiết kế chuẩn đầu chung các môn học
Trường ĐH CNTT thực hiện đề án “Triển khai thí điểm mô hình CDIO tại ĐHQG TPHCM cho ngành Kỹ thuật cơ khí, nhóm ngành Máy tính, CNTT và nhân rộng triển khai các nhóm ngành đào tạo khác, giai đoạn 2010-2017” (gọi tắt đề án CDIO) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, đáp ứng nhu cầu của xã hội về phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và hướng đến kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Trường ĐH CNTT có 7 ngành đào tạo đại học: An toàn thông tin (ATTT), Công nghệ thông tin (CNTT), Hệ thống thông tin (HTTT), Khoa học máy tính (KHMT), Kỹ thuật phần mềm (KTPM), Kỹ thuật máy tính (KTMT) và Truyền thông và mạng máy tính (TT-MMT). Từ năm 2013, nhà trường bắt đầu triển khai CDIO cho 2 ngành HTTT và KHMT và từ năm 2014 nhân rộng 5 ngành còn lại.
Áp dụng mô hình CDIO, ngành HTTT và ngành KHMT tiến hành khảo sát các nhà tuyển dụng, cựu sinh viên để lấy ý kiến về bộ chuẩn đầu ra. Dựa trên ý kiến khảo sát, chương trình đào tạo được thiết kế lại. Nhận thấy các ngành trong trường đều cùng thuộc lĩnh vực máy tính và CNTT, sinh viên tất cả các ngành đều phải học một số kiến thức giống nhau, trường đã xây dựng bộ chuẩn đầu ra chung cho tất cả chương trình đào tạo. Dựa trên tầm nhìn, mục tiêu đào tạo của trường và kết quả khảo sát doanh nghiệp, nhóm soạn thảo đã có nhiều buổi họp, bàn luận để thống nhất các chuẩn đầu ra chung và phân bổ chuẩn đầu ra chung vào một số môn học giảng dạy cho sinh viên toàn trường.
Trong mô hình CDIO, thiết kế chương trình đào tạo có vai trò rất quan trọng thể hiện qua 5/12 tiêu chuẩn CDIO liên quan mật thiết đến thiết kế chương trình đào tạo (Tiêu chuẩn 2: Chuẩn đầu ra; Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo tích hợp; Tiêu chuẩn 4: Môn học Nhập môn kỹ thuật; Tiêu chuẩn 5: Trải nghiệm thiết kế - thực thi; Tiêu chuẩn 7: Trải nghiệm học tập tích hợp). Dựa trên chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo khung, các đề cương chi tiết môn học cũng được thiết kế lại nhằm đảm bảo tất cả các chuẩn đầu ra của môn học đều được giảng dạy và đánh giá. Sau khi thực hiện đề án CDIO, hoạt động giảng dạy và đánh giá môn học được thiết kế chặt chẽ, logic hơn thông qua mối quan hệ với chuẩn đầu ra môn học.
Nâng cao năng lực giảng viên
Để có thể thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo theo định hướng CDIO, năng lực của đội ngũ giảng viên là vấn đề then chốt. Trong 12 tiêu chuẩn của mô hình CDIO, có 2 tiêu chuẩn liên quan mật thiết đến công tác nâng cao năng lực của giảng viên. Dựa trên các tiêu chuẩn này, nhà trường tổ chức các đợt tập huấn giảng viên, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích giảng viên hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm giúp giảng viên có đủ năng lực để thiết kế chương trình đào tạo, giảng dạy và đánh giá sinh viên. Trường ĐH CNTT cử giảng viên tham dự nhiều lớp tập huấn như seminar chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng video clip bài giảng mẫu và hoạt động dự giờ...
Ngoài ra, hàng năm trường tổ chức các đợt tập huấn cho giảng viên về phương pháp xây dựng chương trình đào tạo, đề cương chi tiết môn học, phương pháp đánh giá kết quả học tập và các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Hơn 300 lượt cán bộ, giảng viên đã tham dự các đợt tập huấn của đề án CDIO. Trong đó, 100% giảng viên có thời gian làm việc tại trường từ 2 năm trở lên đã được tập huấn về cách thức xây dựng chương trình đào tạo và đề cương chi tiết môn học theo CDIO. Các chủ đề tập huấn được lựa chọn dựa trên nhu cầu nâng cao năng lực của giảng viên và xu thế phát triển của giáo dục đại học.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, phương thức đào tạo trực tuyến và phương thức đào tạo kết hợp giữa truyền thống và trực tuyến (gọi tắt đào tạo kết hợp - blended learning) đang trở thành xu thế của thế giới. Quy chế đào tạo đại học của ĐHQG TPHCM năm 2017 cũng đã cho phép triển khai đào tạo trực tuyến cho hệ chính quy với quy định: “Tổng số tín chỉ các môn  học, module đào tạo qua mạng không được chiếm quá 20% tổng số tín chỉ của toàn bộ chương trình đào tạo theo hình thức chính quy (trừ các chương trình được tổ chức đào tạo theo hình thức từ xa qua mạng)”. Tháng 7-2017, trường đã tổ chức tập huấn cho 40 giảng viên về phương pháp xây dựng bài giảng theo phương thức đào tạo kết hợp và tạo điều kiện cho các giảng viên thử nghiệm phương pháp này với 16 môn học.
Nhân lực phù hợp môi trường thực tế
Hiện Trường ĐH CNTT đưa tất cả các môn học thuộc cơ sở nhóm ngành, cơ sở ngành vào giảng dạy theo CDIO và triển khai cho 60 lớp trong năm 2017. Trong phương pháp dạy học chủ động, người học là đối tượng của hoạt động “dạy”, đồng thời là chủ thể của hoạt động “học”. Hoạt động giảng dạy được thiết kế đa dạng, cuốn hút, tăng cường hoạt động nhóm. Thông qua đó, sinh viên tự khám phá những điều mình chưa rõ chứ không còn thụ động tiếp thu tri thức được giảng viên sắp đặt. Điều này phù hợp với môi trường thực tế khi sinh viên tốt nghiệp và đi làm.
Nhìn chung, sinh viên rất hào hứng với cách dạy và học mới so với cách truyền thống. Chẳng hạn như môn học Nhập môn lập trình, theo cách truyền thống, mỗi tuần sinh viên có 3 tiết học lý thuyết (15 tuần) và 4 tiết học thực hành (10 tuần), giờ học lý thuyết được tổ chức tại các phòng học lý thuyết. Khi giảng dạy theo CDIO, giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng dẫn sinh viên thực hành ngay sau khi học lý thuyết để sinh viên có thể hiểu được bài học tại lớp. Ngoài ra, giảng viên cũng tổ chức nhiều hoạt động nhóm tại lớp để giờ học thêm sinh động và hấp dẫn hơn. 
Sau khi giảng dạy thử nghiệm các môn học theo thiết kế mới, nhà trường tiến hành đánh giá và điều chỉnh lại chương trình đào tạo, đề cương chi tiết môn học. Kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy, trên 74% sinh viên cho biết các hoạt động giảng dạy theo phương pháp CDIO cũng được thực hiện ở những lớp thông thường và gần 26% còn lại cho biết các hoạt động này chưa được thực hiện ở những lớp thông thường. Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ mức tốt/hài lòng và rất tốt/hài lòng của sinh viên trong khoảng 76,2% - 84,8%, tăng cao so với các học kỳ trước đó.
TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH CNTT, nhận xét sau 5 năm thực hiện, đề án CDIO đã mang lại cho trường nhiều lợi ích thiết thực, như chương trình đào tạo được chuẩn hóa, giảng viên được bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy và đánh giá tiên tiến, nhiều môn học được thiết kế theo CDIO đã được giảng dạy thử nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy đã trở thành một hoạt động thường xuyên. Đề án CDIO cũng góp phần vào sự thành công của trường trong công tác kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo. Trường đạt tiêu chuẩn cơ sở đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2016, đạt tiêu chuẩn về chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA đối với ngành Hệ thống thông tin năm 2017.
- Đề xướng CDIO (C - Ý tưởng, D - Thiết kế, I - Triển khai, O - Vận hành) cung cấp một phương pháp tiếp cận toàn diện, một khung chuẩn giáo dục sáng tạo bao gồm Đề cương CDIO, Tiêu chuẩn CDIO và Thang tiêu chí đánh giá CDIO, giúp đổi mới và cải cách giáo dục, đào tạo một cách hệ thống khi làm rõ mục tiêu giáo dục dưới dạng chuẩn đầu ra để đào tạo sinh viên, đảm bảo chương trình được xây dựng và thực hiện hiệu quả nhằm phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế đang phát triển nhanh và xu hướng hội nhập quốc tế.
- CDIO xuất phát từ ngành kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật hàng không. Với mục đích phát triển khung chuẩn để cải cách chương trình đào tạo (CTĐT) dựa trên nguyên lý của phương pháp tiếp cận CDIO, các CTĐT thí điểm đã được chọn từ lĩnh vực kỹ thuật và một lĩnh vực gần kỹ thuật. Cụ thể, CTĐT Kỹ thuật cơ khí tại Trường ĐH Bách Khoa và các CTĐT máy tính và công nghệ thông tin (CNTT) tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) đã được chọn để tham gia áp dụng CDIO một cách hệ thống.
- Từ 5 CTĐT tại 2 trường tham gia thí điểm CDIO vào năm 2010, đến tháng 11-2017, toàn ĐHQG TPHCM có tổng cộng 5 trường, 30 khoa, 62 ngành triển khai CDIO. Trong đó, 30 ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật; 32 ngành đào tạo phi kỹ thuật. Tất cả các CTĐT đang tham gia áp dụng CDIO hiện nay đều có mục đích chung là đảm bảo chất lượng. Đa số CTĐT có mục tiêu gần đạt tiêu chuẩn AUN-QA; một số CTĐT đã đạt tiêu chuẩn AUN-QA, có mục tiêu đạt chuẩn kiểm định của các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế như ABET, AACSB… tùy theo lĩnh vực đào tạo. 
- Trong những năm 2008-2017, có 4.347 lượt cán bộ, giảng viên của ĐHQG TPHCM được bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nghề nghiệp; được cung cấp kỹ năng thiết kế và phát triển CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra, cung cấp trải nghiệm học tích hợp kỹ năng với kiến thức, áp dụng phương pháp học chủ động trong trải nghiệm, thông qua trên 60 khóa tập huấn do chuyên gia từ Hiệp hội CDIO Thế giới và chuyên gia của ĐHQG TPHCM thực hiện. ĐHQG TPHCM đã làm chủ công nghệ thiết kế và phát triển CTĐT dựa trên chuẩn đầu ra và theo các chuẩn mực chất lượng quốc tế.

Tin cùng chuyên mục