Trị tham nhũng, hối lộ dưới hình thức quà tết

Mỗi dịp cận tết, câu chuyện quà tặng cán bộ, công chức, viên chức lại thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bởi, việc tặng quà, biếu xén vào dịp tết đã là văn hóa từ lâu của người Việt, song không ít trường hợp lại lợi dụng điều này để đưa và nhận hối lộ. Nhiều cơ quan thông báo rõ rằng “Không tiếp khách, không nhận quà”; nhiều lãnh đạo, công chức tuyên bố “Tết về quê, không nhận bất kỳ suất quà nào”, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy.

12 năm trước, năm 2007, Thủ tướng đã có Quyết định Số 64/2007/QĐ-TT, ban hành quy chế về việc tặng quà; trong đó, nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, trừ quà tặng dưới 500.000 đồng, quà tặng từ họ hàng, người thân. Mới đây, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cho cấp trên và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định.

Trong năm 2019, có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng. Chính phủ phát hiện, xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng. Con số này có thể diễn giải theo hai nghĩa: hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng biến tướng dưới hình thức quà tặng nên không có nhiều vụ việc xảy ra; hoặc, còn hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng biến tướng dưới hình thức quà tặng nên không phát hiện được nhiều vụ việc. Dù lạc quan, chúng ta cũng khó có thể hài lòng với đáp án đầu tiên. Quà tặng không chỉ gửi tới cơ quan làm việc mà còn “đi” theo đường riêng của nó tới nhà của cán bộ, công chức; đưa trực tiếp, hay đưa cho người nhà cán bộ, công chức… Một số vụ án được phanh phui thời gian qua đã phơi bày những quà tặng “khủng” vào dịp tết và càng khiến người dân bình phẩm không ngớt về quà tặng. Và hẳn nhiên, không chỉ tết người ta mới tặng quà, biếu xén.

Có nghịch lý là trong khi quà tặng rất đa dạng, cách thức tặng quà lại muôn vàn, chế tài của pháp luật cũng không thiếu, thì việc từ chối, nộp lại quà tặng hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào bản lĩnh, đạo đức, sự tự giác của người được tặng quà. Thật khó để phát hiện quà tặng không đúng quy định, nhất là quà tặng “khủng”, khi hành vi tặng quà - nhận quà diễn ra, hoặc phát hiện gián tiếp qua sự gia tăng tài sản có nguồn gốc bất minh của người được tặng quà, bằng cách kê khai tài sản. Một số vụ án xét xử đã lòi ra những quà tặng “khủng” trước đó các bị cáo đã nhận; song ngược lại, rất hiếm vụ án xuất phát từ quà tặng mà người nhận quà bị xử lý hình sự.

Như vậy, việc đầu tiên để “trị” tham nhũng, hối lộ biến tướng núp dưới hình thức “quà tặng”, vẫn là giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ. Bên cạnh đó, để tăng đề kháng trước cám dỗ, thì chính sách lương bổng, thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức cũng phải cải thiện, tương xứng với sự cống hiến, phục vụ người dân. Môi trường khách quan, một khi thủ tục hành chính vẫn cồng kềnh, mập mờ, nặng xin - cho, ban phát, tất nhiên “quà tặng” vẫn nảy nở, như chất bôi trơn. Vì thế, việc cải cách hành chính cần được liên tục thúc đẩy, tạo môi trường dịch vụ công được cung cấp minh bạch, công bằng, đơn giản và dễ tiếp cận với người dân. Trong nền hành chính minh bạch, không xin - cho, tự thân cán bộ, công chức, viên chức không có điều kiện tham nhũng và người dân cũng không phải tặng quà để cho... được việc.

Cùng với đó, công tác giám sát phải đa dạng và hiệu quả hơn: mỗi công chức có năng lực tự giám sát chính mình; đội ngũ công chức giám sát, kiểm soát chéo nhau; cùng với giám sát của Đảng, Nhà nước, là giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát từ nhân dân, để phát hiện kịp thời hành vi tặng quà, nhận quà ngoài quy định. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cần được thúc đẩy nhanh. Đồng thời, có cơ chế kiểm soát tốt việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm minh các trường hợp tài sản hình thành không rõ nguồn gốc.

Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa có Chỉ thị số 40 về việc tổ chức Tết Canh Tý 2020, trong đó, nhấn mạnh đến việc không tổ chức đi thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Quán triệt các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy TPHCM đã có chỉ đạo về chăm lo nhân dân dịp Tết Canh Tý 2020. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cán bộ lãnh đạo gương mẫu không nhận quà dưới mọi hình thức… Mong rằng, các chỉ đạo này được quán triệt sâu sắc, thực hiện thật nghiêm.

LÊ MINH ĐỨC
Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TPHCM

Tin cùng chuyên mục