Trị “ma men”

“Ăn nhậu” có thể là 2 từ để chỉ một bàn tiệc vui vẻ của gia đình và bạn bè, một sự giao lưu gặp gỡ của công nhân sau giờ tan ca, một buổi hội ngộ của những người bạn vài năm không gặp, một bữa tiệc mừng cô dâu chú rể trong ngày cưới; cũng có thể là một buổi “ăn mừng thắng lợi” của các doanh nhân sau khi ký kết được các hợp đồng lớn... Có chuyện vui thì nhậu đã đành, nhiều người gặp chuyện buồn cũng nhậu... 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức độ tiêu thụ bình quân rượu bia/người/năm. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, còn rượu mỗi năm khoảng 350 triệu lít.

Hiện Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất (Nigeria tăng 17,2%, Ấn Độ tăng 17%, Brazil tăng 16% và Việt Nam tăng 15%). Những người thường xuyên uống rượu, bia tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn lao động, tai nạn giao thông nhiều gấp 3 lần so với những người không sử dụng. Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông hiện nay ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia.

Theo nghiên cứu của khoa học, rượu bia tác động tới hệ thần kinh trung ương, kích thích tâm lý và gây cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi. Nó làm cho thời gian phản ứng của lái xe chậm lại, quá trình suy nghĩ của họ thiếu sáng suốt, giảm khả năng tập trung khi lái xe và còn gây tác dụng phụ như mờ mắt, nặng tai... làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. 

Ở Việt Nam, rượu bia được đem ra như là thứ để chứng minh cho sự tôn trọng nhau, quý mến nhau. Vậy nên mới có chuyện “anh không uống là khinh tôi”, “tôi quý anh nên mới mời anh chén này”, “anh em ta quyết không say không về”... Việc mời mọc nhau theo kiểu ép buộc, uống đến mức say xỉn, không làm chủ được mình là hành vi lạm dụng rượu bia.

Cũng từ đây, những vụ tai nạn giao thông vì điều khiển xe trong tình trạng không tỉnh táo hay những vụ xô xát, thậm chí án mạng vì không làm chủ được bản thân… trở thành nỗi ám ảnh thường trực sau mỗi cuộc vui trên bàn nhậu.

Bài toán “cấm nhậu” ở nước ta chắc sẽ còn nan giải dài dài. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây chính là nhận thức, hành động của bạn. Bạn phải có bản lĩnh từ chối và nếu đã uống rượu thì không tham gia giao thông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc do “ma men” gây ra. Các cơ quan chức năng cần phải thực thi nghiêm túc các chế tài về quản lý bia rượu; kiểm soát chặt quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi rượu bia; áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm sử dụng, hạn chế buôn lậu.

Các cơ quan nhà nước tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn trưa và ngày trực. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời tổ chức và giám sát việc thực hiện. 

Song song đó, là đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông; hiểu rõ được tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Đồng thời cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền mức xử phạt đối với những vi phạm, nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục