Tréo ngoe chuyện thoái vốn, cổ phần hóa

Chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp đã được triển khai nhiều năm qua, thế nhưng, rất nhiều địa phương, bộ ngành chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì không muốn buông vai trò quản lý doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc diện phải bàn giao về một đầu mối quản lý là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thoái vốn nhưng không thực hiện… 
May veston xuất khẩu tại thành viên Vinatex. Ảnh: Cao Thăng
May veston xuất khẩu tại thành viên Vinatex. Ảnh: Cao Thăng
Sợ mất quyền lợi
Công tác cổ phần hóa thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2017 diễn ra rất chậm. Trong năm 2016 chỉ vài chục DN được cổ phần hóa. Thậm chí, đến giữa năm 2016, nhiều bộ ngành, tỉnh thành không cổ phần hóa được DN nào theo chỉ tiêu của năm, như Bộ Tài nguyên - Môi trường (0/5 DN), Bộ Thông tin và Truyền thông (0/4 doanh nghiệp), tỉnh Nam Định, Tiền Giang (0/5 DN); Bình Dương, Đăk Lăk, Gia Lai (đều 0/3 DN). Đến năm 2017, công tác cổ phần hóa vẫn tiếp tục ì ạch, không ít bộ và tỉnh vẫn giữ con số 0 tròn trĩnh!
Trong khi đó, chưa bao giờ công tác sắp xếp đổi mới DN, cụ thể là cổ phần hóa DNNN lại được Chính phủ quan tâm đến như vậy. Thủ tướng đã nhiều lần chỉ thị, nêu từng chức danh bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế phải thực hiện cổ phần hóa DN và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Thậm chí, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm người đứng đầu nếu không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không hiệu quả trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Tổ chức, cá nhân nào thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì cũng bị bồi thường và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mặc dù việc xử lý trách nhiệm cá nhân được ghi rõ như vậy và Thủ tướng cũng nhiều lần nhắc nhở nhưng đến nay, rất ít trường hợp bị điểm tên hay bị xử lý trong khi tiến trình cổ phần hóa vẫn rất chậm.  
Nhìn một cách sòng phẳng thì việc cổ phần hóa chậm cũng có phần do thị trường chứng khoán ảm đạm, và những DN phải cổ phần hóa là doanh nghiệp lớn, tài sản đa dạng nên cần nhiều thời gian hơn. Thế nhưng, lý do chính dẫn đến chậm trễ vẫn là do con người và lợi ích. Các cơ quan quản lý DN, các bộ ngành, tỉnh thành thì không thiết tha cổ phần hóa, thoái vốn, vì lo ngại mất quyền quản lý DN. Hơn nữa, số tiền thu được từ thoái vốn, cổ phần hóa, cơ quan quản lý cũ không được giữ mà phải chuyển về cho SCIC. Còn đối với những người đứng đầu DN nhà nước, họ cũng không thiết tha với cổ phần hóa vì sợ mất ghế (sau cổ phần hóa, người điều hành DN sẽ do cổ đông quyết).
Thống nhất một mối, nhưng… từ chối bàn giao
Việc bàn giao các DNNN về cho SCIC quản lý đã được đề ra từ lâu, theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ. Kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020, các bộ ngành, địa phương sẽ chuyển về SCIC 68 DN để tiến hành thoái vốn (năm 2017 chuyển 11 DN, năm 2018 là 48 DN, năm 2019 là 7 DN và năm 2020 là 2 DN). Trong dự thảo Danh mục thoái vốn, có một số DN lớn như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty CP Giao nhận ngoại thương, Tổng công ty Xây dựng công trình  giao thông 5; giao thông 8; Tổng công ty Licogi... Thế nhưng, trong đó nhiều đơn vị “lờ” việc chuyển giao trong thời gian dài vừa qua.
Điển hình là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Dù phương án cổ phần hóa công ty này đã được Chính phủ phê duyệt từ giữa năm 2014, trong đó ghi rõ sẽ chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC sau 1 năm khi Vinatex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Dù tháng 1-2015, Vinatex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, thì lẽ ra tháng đầu năm 2016 là đến hạn phải chuyển giao về cho SCIC, thế nhưng, Bộ Công thương - đơn vị quản lý DN này - vẫn lờ luôn! Đến năm 2017, việc bàn giao các DN của Bộ Công thương về SCIC quản lý được họp nhiều lần, nhưng vẫn “sót” tên Vinatex. 
Tương tự, một số tập đoàn, tổng công ty đã có công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo việc phải giao là Tổng công ty Thép, các tổng công ty Sông Hồng, Licogi… Các công ty khác như Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Bộ Y tế); Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải)… cũng thuộc đối tượng phải chuyển giao về SCIC nhưng vẫn chậm thực hiện.

Tin cùng chuyên mục