Trên 98% kiến nghị của cử tri đã được trả lời ​

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay đã có 2.596 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời, đạt 98,3%.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 20-10. Ảnh: QUANG PHÚC
Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 20-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại phiên họp Quốc hội ngày 20-10, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như LĐ-TB-XH; Y tế, TN-MT, Nội vụ, NN-PTNT, GD-ĐT… Đến nay đã có 2.596 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời, đạt 98,3%.

Báo cáo cho rằng, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới mạnh mẽ. UBTVQH đã tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành đối với Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về nhiều vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của nhân dân, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Trong đó có vấn đề công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao; công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19…

Trên 98% kiến nghị của cử tri đã được trả lời ​ ảnh 1 Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý, điều hành. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống của nhân dân về cơ bản ổn định, cải thiện và phát triển.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế đối với việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri và đối với Chính phủ, bộ ngành Trung ương. Cụ thể, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số đoàn đại biểu Quốc hội còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị nội dung còn chung chung, chưa cụ thể nên các cơ quan gặp khó khăn khi nghiên cứu để giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.

Một số bộ, ngành còn trả lời kiến nghị của cử tri chưa đúng thời hạn nên đại biểu Quốc hội chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri khi tiếp xúc cử tri. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri theo quy định. Rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đảm bảo việc giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Tin cùng chuyên mục