Trao cơ hội cho người tài

Trong xây dựng đô thị thông minh, việc trao cơ hội và tạo động lực thúc đẩy người tài phát huy năng lực sẽ góp phần nâng tầm sức mạnh của bộ máy chính quyền, tạo nguồn nhân lực chất lượng lâu dài, bền vững, phù hợp với TP thông minh.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang là trường hợp người ngoài Đảng được lãnh đạo TPHCM tin tưởng giao trọng trách Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Lê Nguyễn Minh Quang là trường hợp người ngoài Đảng được lãnh đạo TPHCM tin tưởng giao trọng trách Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, người dân có thể thụ hưởng nhiều tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, giảm thiểu tác động của ngập nước… Học sinh có thể học tại những trường chất lượng tốt, tham gia hoạt động vui chơi giải trí đa dạng.

Đề án nêu rõ lộ trình thực hiện, mục tiêu và giải pháp. Song, theo tôi, để thực hiện thành công đề án cần có đội ngũ nhân sự thực tài hoạch định và tổ chức triển khai. Bởi vậy, TP hãy trao thêm nhiều cơ hội cho người tài.  

Hiện có nhiều người Việt Nam được đào tạo bài bản, đạt những thành tích nhất định ở nước ngoài. Khi có điều kiện, nhiều người trong số họ sẵn sàng đóng góp cho đất nước nói chung và TPHCM nói riêng.

TP từng là nơi tiên phong thu hút, sử dụng nhân tài. Chẳng hạn, câu chuyện một người không đảng viên, chưa là công chức như ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP (tương đương giám đốc sở). Người dân cho rằng, đây là khâu đột phá và đổi mới trong công tác cán bộ.

Tôi đang làm việc với một tập đoàn nước ngoài, nơi có nhiều nhân sự từng là du học sinh người Việt. Họ cho biết, cũng muốn làm việc ở cơ quan nhà nước. Nhưng ngoài chuyện lương thấp, họ e ngại môi trường thiếu chuyên nghiệp, nền tảng cũ sẽ khó phát triển ý tưởng, cấp trên bảo thủ khó tiếp nhận cái mới. Có lẽ, đây là suy nghĩ chính đáng!

Trong khi đó, nhiều cơ quan nhà nước tuyển dụng người chưa đáp ứng yêu cầu, được cho là “con ông, cháu cha”, gửi gắm khi tuyển dụng… Nhiều trường hợp sau khi nhận việc, cơ quan “bấm bụng” cử đi học để lấy bằng cấp bổ túc hồ sơ, hợp thức hóa công việc, bổ nhiệm chức vụ...Những vấn đề trên luôn là bài toán khó trong công tác nhân lực, tạo nguồn trong cơ quan nhà nước.

Theo tôi, đội ngũ nhân tài là những người có tư duy đổi mới, bản lĩnh, nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ, biết cách làm, kiến tạo giải pháp phù hợp và thiết thực. Dù ở đâu thì họ đều là lực lượng lao động quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế; trong đó có việc xây dựng đô thị thông minh. Do đó, để có người tài vào làm việc, chính quyền và các tổ chức phải đi… “câu” bằng hành động thiết thực và cầu thị. Ban đầu, cơ quan nhà nước có thể bỏ ra khoản chi phí khá lớn nhưng sẽ không đáng kể nếu so với những thành quả lâu dài.

Đặc biệt, trong xây dựng đô thị thông minh, việc trao cơ hội và tạo động lực thúc đẩy người tài phát huy năng lực sẽ góp phần nâng tầm sức mạnh của bộ máy chính quyền, tạo nguồn nhân lực chất lượng lâu dài, bền vững, phù hợp với TP thông minh. Với đề án xây dựng đô thị thông minh, TPHCM hãy tiếp tục đi đầu trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, nhất là trong tổ chức, hiện thực hóa đề án.

Tin cùng chuyên mục