Tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, cát cứ theo từng lĩnh vực

Ngày 23-4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896), giai đoạn 2013 - 2020 chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết đề án.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Cải cách tối đa thủ tục cấp căn cước cho công dân

Đề án 896 - nhất là có dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, có gần 45.000 cán bộ công an chính quy được tăng cường xuống xã thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày ngay từ địa bàn cơ sở. Đến nay, về cơ bản nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân đã được thực hiện đúng tiến độ. 

Tính đến ngày 5-3, tổng số nhân khẩu thường trú cả nước là 98.736.106. Hiện nay, lực lượng công an đang đồng loạt cấp thẻ căn cước công dân mới cho công dân trên toàn quốc với nhiều ưu điểm nổi bật (thẻ có gắn chip điện tử với phương án bảo mật cao; bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế; thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, bền, đẹp...), mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, nhờ có sự lồng ghép 2 dự án, Bộ Công an đã chỉ đạo cải cách tối đa thủ tục cấp căn cước cho công dân, theo đó người dân không phải kê khai bất cứ loại giấy tờ gì khi làm thủ tục, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức rất lớn. 

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, đến hết năm 2020 đã cấp được khoảng 14 triệu thẻ căn cước công dân tại 16 địa phương. Từ ngày 1-1-2021 đồng loạt tổ chức cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho công dân tại 63/63 địa phương. Hiện tại đang cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam, dự kiến đến ngày 1-5-2021 sẽ hoàn thành. Đối với nhiệm vụ rà soát TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, đến nay trong tổng số 1.934 TTHC có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 TTHC, chiếm tỷ lệ 58,2%. Trong đó đề xuất bãi bỏ 34 TTHC, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 TTHC… 

Phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ ra một số tồn tại, như việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và dữ liệu giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có cơ chế thống nhất, hợp lý xử lý đối với các trường hợp dữ liệu công dân có sai lệch (sai thông tin giữa chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân với hộ khẩu, hoặc trong các giấy tờ này chỉ có thông tin về năm sinh mà không có thông tin về ngày, tháng sinh), dẫn đến gia tăng TTHC không đáng có, gây sức ép cho người dân, khó bảo đảm chất lượng đăng ký hộ tịch.

Theo Phó Thủ tướng, quá trình thực hiện Đề án 896 rút ra một số bài học kinh nghiệm như, phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, trên cơ sở tất cả vì nhiệm vụ chung, mục đích cao nhất là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, cát cứ theo từng lĩnh vực.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn dữ liệu. Hoàn thành, mở rộng việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện TTHC (về xác thực thông tin người dùng, hỗ trợ cung cấp, kiểm tra thông tin công dân). Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích cực “đồng hành” cùng Bộ Công an trong quá trình triển khai 2 dự án trên, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của mình; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, triển khai các ứng dụng để tích hợp vào chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân, góp phần thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực được phân công. Đẩy mạnh làm việc trên môi trường mạng.

Tin cùng chuyên mục