Trách nhiệm người đứng đầu trong đơn vị hành chính

Tránh tình trạng “cá nhân nấp trong tập thể”

Ngày 3-5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức hội thảo khoa học “Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước”. 
PGS TS Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc hội thảo
PGS TS Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo có sự đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy định nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm người đứng đầu để tránh tình trạng khó xử lý khi sai phạm xảy ra trong cơ quan hành chính nhà nước.

Định nghĩa vị trí của người đứng đầu

PGS-TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng ở Việt Nam người đứng đầu vừa là người lãnh đạo, vừa là người quản lý đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu phải xuất phát từ địa vị pháp lý, đặc điểm địa vị pháp lý của người đứng đầu. Nếu người được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền để thực hiện mà thực hiện không đúng, không đầy đủ dẫn đến hậu quả thì phải gánh trách nhiệm và việc gánh chịu trách nhiệm đó cũng là bổn phận và nghĩa vụ mà người đó phải làm. Tuy nhiên, không thể xem xét trách nhiệm của người đứng đầu với quan niệm chung chung, mà cần phải xem xét trách nhiệm đó với địa vị pháp lý, cụ thể là với vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của người đứng đầu.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, cho biết, người đứng đầu thể hiện được ở các mặt: có vai trò dẫn dắt tổ chức hoạt động theo một đường hướng nhất định, có vị trí và trách nhiệm của mình trong tổ chức cơ quan hành chính. Gần đây, dư luận đa số không đồng tình khi người đứng đầu thường nói “xin chịu trách nhiệm” nhưng không thấy sau đó làm gì, trong khi trách nhiệm đó gây thiệt hại trực tiếp có thể đo đếm được. Ở Việt Nam hiện nay, bộ trưởng, chủ tịch UBND thường có 2 loại trách nhiệm này. Việc xác định trách nhiệm người đứng đầu cần thể hiện ở tính pháp lý, như cơ quan, đơn vị để ra sai sót, vi phạm hoặc hạn chế năng lực của một bộ phận, người đứng đầu phải chịu liên đới trách nhiệm. “Không thể có một công chức yếu kém, mà người đứng đầu lại không có trách nhiệm gì khi chính người đó ký tuyển dụng họ”, GS-TS Nguyễn Hữu Khiển nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên, GS-TS Nguyễn Hữu Khiển kiến nghị, vị trí lãnh đạo gắn với người đứng đầu, kèm theo đó phải có sự minh bạch về thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài pháp lý. Nếu cắt xén hoặc thay đổi những gì thuộc về quyền, chế độ trách nhiệm sẽ không xử lý được trọn vẹn. Người đứng đầu cơ quan Đảng, cấp chính quyền địa phương phải kiêm nhiệm chức vụ đứng đầu hành chính. Điều này xuất phát từ cơ chế nhân dân ủy quyền cho HĐND kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, kiểm tra tính chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Cải cách nền hành chính để xác định trách nhiệm

PGS-TS Lê Minh Thông, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh, nếu cứ tư duy về trách nhiệm của người đứng đầu trong nền hành chính thiếu cải cách thì không bao giờ có lối ra. Trách nhiệm người đứng đầu đã nói ở nhiều nơi, nói nhiều lần nhưng càng nói càng thấy có vấn đề. Theo PGS-TS Lê Minh Thông, một trong những cản trở hiện nay là quyền hạn không rõ ràng cho người đứng đầu trong nhiều mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể; giữa vị trí người đứng đầu và chức năng thẩm quyền của cơ quan hành chính. Thêm nữa, việc trao quyền tự chủ mà cơ chế không tự chủ, người đứng đầu có được trao quyền nhưng vẫn phải thảo luận tập thể... Do đó, nếu không cải cách tổng thể thì việc đưa ra bàn trách nhiệm người đứng đầu ở cơ quan hành chính nhà nước chỉ để cho vui, thậm chí có thể dẫn tới “oan gia” cho cán bộ, vì họ không kiểm soát được tình huống, do trao quyền nhưng không kiểm soát được quyền. 

Rào cản khác, theo ông Thông, là số lượng cấp phó nhiều. Không ở đâu mà trong các cơ quan hành chính có nhiều cấp phó như Việt Nam. Bởi, cấp phó nhiều sẽ chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ quyền, do đó khi xảy ra sai phạm rất khó xử lý. “Chính nhiều cấp phó đã cản trở trách nhiệm của người đứng đầu, làm lu mờ trách nhiệm người đứng đầu”, PGS-TS Lê Minh Thông nêu quan điểm. Để thực hiện triệt để trách nhiệm người đứng đầu, theo ông Thông, không chỉ quy định cụ thể trong luật mà cần nghiên cứu những yếu tố tác động đang làm vô hiệu hóa câu chuyện người đứng đầu. Một khi rõ quyền, rõ điều kiện thì trách nhiệm người đứng đầu mới rõ, phải giải quyết những vấn đề này một cách căn cơ mới khả thi được.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, những ý kiến đóng góp từ chuyên gia sẽ được nghiên cứu kỹ để xây dựng quy định, thể chế sau này. Từ việc xác định trách nhiệm người đứng đầu như thế nào, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm khi cấp dưới sai phạm, xác định trách nhiệm, quyền hạn, phân cấp; quyền hạn người đứng đầu trong tập thể, trách nhiệm pháp lý… Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, đa số người lãnh đạo ở các cơ quan hành chính đã phát huy được trách nhiệm, chức trách và nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vi phạm pháp luật liên quan tới người đứng đầu mà chưa làm rõ. Chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa đảm bảo tính nghiêm minh, còn tình trạng nể nang, né tránh, do đó cần xây dựng các quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu, tránh tình trạng “cá nhân nấp trong tập thể”.

Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày 3-5, Bộ Nội vụ thông tin, cơ quan này đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án Văn hóa công vụ”, trong đó yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện đề án. Cụ thể, kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện đề án. 

Đề án nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện văn hóa công vụ thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện đề án này cũng được xem là tiêu chí để làm căn cứ, cơ sở trong việc bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Để thực hiện, Bộ Nội vụ chủ trì, nghiên cứu, đề xuất các quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức; đồng thời biên soạn các tài liệu hướng dẫn; xây dựng các tiêu chí về văn hóa công vụ. Thời hạn hoàn thành trong năm 2019. 

GIA KHÁNH

Tin cùng chuyên mục