Tránh lạm quyền trong phòng chống dịch

Sau khi xuất trình căn cước công dân thì cô y tá ngồi đó yêu cầu tôi phải gọi cho chủ tịch xã và xin chủ tịch xã, nếu đồng chí ấy cho vào thì mới được về nhà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Do người nhà gặp vấn đề về sức khoẻ nên tôi phải đưa đi TPHCM khám bệnh. Sau mấy tuần ở TPHCM, cuối cùng sức khoẻ của người nhà tôi cũng ổn định và tôi đưa người nhà về lại huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. 

Dù rằng khi ở TPHCM tôi không tới chỗ nào thuộc vùng cam, đỏ nhưng tôi vẫn đi làm xét nghiệm Covid trước khi về nhà. Sáng ngày 10-12-2021, cầm giấy xét nghiệm âm tính, tôi yên tâm đi thẳng về nhà và không quên khai báo di chuyển nội địa trên PC-Covid.

Trên đường, tôi có gặp một số chốt kiểm dịch, họ khá lịch sự và vui vẻ chỉ quét mã QR trên PC-Covid và mời chúng tôi đi. Mọi chuyện thuận lợi cho đến khi chúng tôi về đến chốt kiểm soát dịch ở đầu huyện Cát Tiên - Lâm Đồng.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là một cô gái. Không biết em ấy là ai chỉ thấy em gái đó cầm gậy gõ gõ vào cửa kính ô tô khi xe tôi vẫn chưa dừng hẳn. Tôi bấm kính xuống thì em gái đó hỏi rất ngắn gọn:

- Đi đâu?

Tôi hơi bất ngờ với cách ăn nói ngắn đến mức không tưởng này nhưng tôi vẫn trả lời

- Anh về nhà.

- Nhà ở đâu? Em gái xinh đẹp lại hỏi ngắn gọn.

- Xã Tiên Hoàng. Tôi cũng trả lời ngắn gọn.

- Có hộ khẩu không? Em gái hỏi

- Có! Tôi trả lời.

- Đỗ xe vào kia, ra kia khai báo. Em gái chỉ cái gậy rồi vội vã bước đi. 

Tôi tấp xe vào chỗ đậu và đến bàn khai báo. Sau khi xuất trình căn cước công dân thì cô y tá ngồi đó yêu cầu tôi phải gọi cho chủ tịch xã và xin chủ tịch xã, nếu đồng chí ấy cho vào thì mới được về nhà. Tôi hơi lạ vì cứ tưởng Việt Nam bỏ cơ chế "xin - cho" lâu rồi. 

Tôi bấm máy gọi chủ tịch xã, sau một hồi trình bày thì cuối cùng chủ tịch xã đồng ý cho tôi về nhà với yêu cầu "về phải cách ly tại nhà". Tôi rất ngạc nhiên nói là tôi đi từ vùng 1, 2 tới vùng 1, 2 mà cũng phải cách ly sao? Đồng chí chủ tịch xã trả lời đây là quy định phòng chống dịch của địa phương. Ừ thôi thì kệ, vì dù sao tôi cũng mệt lắm rồi, mong nhanh nhanh về nhà. 

Sau khi cô y tá nói chuyện với chủ tịch xã để xác minh lại việc đồng chí ấy đồng ý cho tôi về thì cô ấy bắt đầu yêu cầu tôi viết khai báo. Ở huyện Cát Tiên không dùng app mà phải viết tay, khai báo xong tiếp tục viết bản cam kết gì đó nữa. Xong hết các thủ tục đó thì cô y tá hỏi anh có xét nghiệm âm tính không?

Tôi đưa bản xác nhận xét nghiệm âm tính của tôi và người nhà do bệnh viện Vinmex cấp còn "nóng hổi". Nhưng cô y tá nói là giấy này không có giá trị và yêu cầu tôi và người nhà phải đóng tiền làm lại xét nghiệm.

Tôi bắt đầu bị "rối não", tôi nói giấy này là thật, không phải giấy giả và trong thời gian 72 tiếng theo quy định của Bộ y tế và Chính phủ. Cô y tá nói, đây là quy định của huyện, tất cả giấy xét nghiệm âm tính từ tỉnh khác cấp đều không có giá trị và phải đóng tiền làm lại khi về đến Cát Tiên. Tôi hỏi quy định đâu? Ai ký quyết định này? Cho tôi xem quyết định được không? Ngay lập tức cô y tá nói là cô ấy không có trách nhiệm trả lời và gọi to rằng có người chống đối. 

Cô gái cầm gậy ban đầu đi ra giải quyết. Tôi nói là tôi ko chống đối gì hết. Tôi bảo là việc các cô nói giấy xét nghiệm âm tính của bệnh viện Vinmex không có giá trị khi về Cát Tiên là hoàn toàn sai theo hướng dẫn của Bộ y tế và theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Nếu Cát Tiên ra quy định như vậy thì cho tôi xem quy định đó và cho tôi biết ai ký quyết định đó. Cô gái đó nói là tôi không được xem. Tôi nói không cho xem cũng được, tôi quay phim lại, cô chỉ cần nói là huyện Cát Tiên không công nhận giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực của tôi và tôi phải đóng tiền làm xét nghiệm mới.

Tôi đưa điện thoại lên quay và cô gái nói không được quay đồng thời cầm gậy đập thẳng vào điện thoại của tôi, kèm theo câu nói ai cho phép anh quay tôi. Tôi hơi bất ngờ với hiểu biết và cách hành xử của một cô gái có tuổi đời còn rất trẻ. Rất may là có anh cảnh sát giao thông ngồi gần đó nói rất nhỏ vào tai cô gái "người dân được quyền quay phim khi mình làm nhiệm vụ". 

Cô gái bấm máy gọi cho chủ tịch xã và nói tôi chống đối, vì cô gái mở loa to nên tôi còn được nghe anh chủ tịch xã nói "thằng dở hơi ấy mà, cứ theo quy định mà làm". Thấy đồng chí chủ tịch xã nói vậy nên tôi đi vào đóng tiền, test rồi về nhà. Xã đã chuẩn bị sẵn cho tôi một tờ giấy cách ly 14 ngày để dán vào cổng.

Cách hành xử của cô gái và cái "tên gọi" do đồng chí chủ tịch xã tặng tôi thì tôi không muốn nói đến vì đó là vấn đề văn hóa cá nhân. 

Cái tôi băn khoăn là tại sao huyện Cát Tiên lại đi ngược hoàn toàn với Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ y tế; là lấy cơ sở gì mà Cát Tiên lại không công nhận giấy xét nghiệm Covid của bệnh viện Vinmex trong khi giấy xét nghiệm đó hoàn toàn hợp lệ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Chính phủ; dựa vào cơ sở nào mà xã yêu cầu người này cách ly 14 ngày, người khác cách ly 7 ngày? Người bệnh đi bệnh viện về, bị bắt cách ly như vậy làm sao họ đi tái khám? Hay muốn tái khám là lại gọi điện thoại, lại phải thực hiện cơ chế "xin -cho"?.

Ngoài ra, ai đã cho phép cô gái đó được sử dụng gậy, là công cụ hỗ trợ mà chỉ những ai có trình độ chuyên môn mới được dùng?

Tin cùng chuyên mục