Tránh học thêm luyện thi

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến toàn xã hội.

Theo đó, dự thảo thông tư cũng nêu rõ tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Dự thảo thông tư cũng nêu có chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên đối với học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT. Sở GD-ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang 10 điểm. Như vậy, chỉ tuyển thẳng, ưu tiên những học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức, chứ không phải cấp tỉnh, thành phố như hiện nay.

Dự thảo này nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Lý giải về việc sửa đổi 2 nội dung trên, theo TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT về tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT đã ban hành từ năm 2014. 

Qua triển khai có thể nói thông tư đã tạo điều kiện cho các sở GD-ĐT và cơ sở tự chủ tuyển sinh rất nhiều; theo đó, trước đây Bộ GD-ĐT quyết định nhiều việc, bây giờ đã trao quyền cho các sở GD-ĐT. Tuy nhiên, phải nhìn thấy một thực tế có một số trường số hồ sơ đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu. Vì vậy, dù THCS là cấp phổ cập, không thi tuyển đầu vào nhưng để phù hợp thực tế thì cũng cho phép với cơ sở có số lượng đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu thì xây dựng phương án tuyển sinh trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Thực tế, vừa qua Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn theo hướng này. Từ đó, ở Hà Nội có một số nơi như Trường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu… đã xây dựng phương án xét học bạ 5 năm cộng thêm tiêu chí phụ là kết quả các cuộc thi, tính từ cuộc thi cấp quận trở lên. Do đó để có kết quả cao trong các cuộc thi, đã xảy ra tình trạng tổ chức luyện thi, có thu phí, lệ phí thi, dẫn đến những vấn đề nảy sinh bởi các phụ huynh đều muốn con em mình đạt tiêu chí phụ để được vào trường chất lượng cao. 

Vấn đề đặt ra là khi cho các trường “hot”, kết hợp xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, có thể dẫn đến tình trạng học thêm, trong khi về nguyên tắc cấp THCS là phổ cập nên không thi tuyển đầu vào? Ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng, nếu tổ chức thi tuyển có thể nảy sinh dạy thêm học thêm. “Tuy nhiên một số đơn vị có tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận gần như bài phỏng vấn, có kiến  thức tổng hợp bằng tiếng Anh chẳng hạn thì dù có đi học thêm các em cũng không làm được”, ông Chuẩn nêu quan điểm. 

PGS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 11 là cần thiết và có cách để tránh dạy học thêm, luyện thi với quy định mới. Quy định này là phù hợp với thực tế, bởi trong 2 - 3 năm qua, việc không thi tuyển vào lớp 6 gây nhiều khó khăn cho những trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu trường có thể tuyển. “Mọi năm xét tuyển dựa vào điểm học bạ, giấy khen, bằng khen ở bậc tiểu học. Nhưng chất lượng các trường tiểu học là khác nhau. Qua mấy năm không thi tuyển, xảy ra tình trạng, học sinh có mặt bằng đầu vào như nhau, nhưng khi vào học lại chênh lệch, em đứng đầu lớp và cuối lớp khác xa, gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học”, ông Thống nói. Trường còn có hệ tăng cường Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn, Ngữ văn - Tiếng Anh, Toán - Tiếng Anh; hệ liên kết đào tạo (sáng học chương trình Việt Nam, chiều học chương trình liên kết để có thể lấy chứng chỉ học tiếp sang các nước có sử dụng tiếng Anh)… đòi hỏi học sinh phải có khả năng tiếp thu tốt. Nếu xét tuyển đầu vào cào bằng thì rất khó xếp lớp, thường thì sau 1 học kỳ, trường thường phải xếp lại lớp theo trình độ đào tạo. Nếu được đánh giá năng lực học sinh ngay từ đầu vào thì không gặp khó khăn này. Theo PGS Đặng Quốc Thống, tuyển sinh lớp 6 nên vừa dựa vào kết quả học tập ở tiểu học, đồng thời cho học sinh làm một bài test nhẹ nhàng để phân biệt trình độ, như vậy sẽ không lo học thêm, luyện thêm nhiều.  

Cô Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), cũng cho biết, 3 năm gần đây, Trường THCS Cầu Giấy thực hiện tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng xét tuyển dựa trên kết quả học bạ 5 năm của học sinh ở tiểu học. Nhưng khó khăn là số học bạ đạt tuyệt đối luôn nhiều hơn chỉ tiêu trường được tuyển. Do đó, nhà trường phải xét thêm đến điểm ưu tiên của các cuộc thi. Việc lấy điểm ưu tiên từ các cuộc thi đã vô hình trung biến những cuộc thi này đáng lẽ là sân chơi lành mạnh của học sinh thành cuộc chạy đua của học sinh, phụ huynh để giành giấy khen, giải thưởng, thành tích để làm đẹp hồ sơ xét tuyển; bởi vậy tạo ra sức ép lớn cho học sinh. Nay, cùng với việc Bộ GD-ĐT tinh giản các cuộc thi thì nếu được phép sử dụng khảo sát, đánh giá năng lực, các trường hoàn toàn có thể chủ động tuyển được học sinh phù hợp với mình. Khi Bộ GD-ĐT đã tinh giản các cuộc thi, nếu được phép sử dụng khảo sát, đánh giá năng lực, các trường hoàn toàn có thể chủ động tuyển được học sinh phù hợp với mình. Việc đánh giá năng lực nên dưới hình thức trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận để tránh việc phụ huynh đổ xô cho con đi học thêm tại các lò luyện.

Tin cùng chuyên mục