Tránh để xảy ra lạm quyền khi thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức “lực lượng”, kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (sau đây gọi là dự án Luật) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 11-9, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (UBQPAN) cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tránh để xảy ra lạm quyền khi thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 1 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: QUOCHOI
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật này có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức “lực lượng”, kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, nội dung của dự thảo Luật chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Loại ý kiến này đề nghị UBTVQH cân nhắc cho thực hiện thí điểm trong một thời gian, tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật; hoặc đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, mà chưa cần ban hành Luật.

Trong số các nội dung cụ thể, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quá rộng, chưa tương ứng với vị trí, chức năng mà dự thảo Luật đã xác định là lực lượng “tham gia, hỗ trợ” lực lượng công an; một số quy định thiếu chặt chẽ, phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động chưa cụ thể; thiếu quy định về cơ chế ràng buộc trách nhiệm của lực lượng này khi tham gia thực hiện nhiệm vụ với lực lượng công an.

Tránh để xảy ra lạm quyền khi thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ảnh 2 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: QUOCHOI
Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật, nhưng đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức thực hiện nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật.

Về bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đa số ý kiến Thường trực UBQPAN cho rằng, quy định thành lập Tổ ANTT ở cơ sở cần tính toán kỹ để phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm số người hoạt động không chuyên trách.

Theo quy định, thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính, nên việc bố trí Tổ ANTT cần tính toán phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế. Theo đánh giá của Chính phủ, sau khi bố trí, sắp xếp lại 3 lực lượng để thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ giảm khoảng 500.000 người, nhưng cần phân tích theo địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn.

Hiện nay ở đô thị có lực lượng Bảo vệ dân phố và Dân phòng được bố trí ở tổ dân phố, nếu ghép thành 1 lực lượng có thể giảm số lượng; nhưng ở nông thôn không có lực lượng Bảo vệ dân phố (chỉ có Công an xã bán chuyên trách bố trí 1 công an viên/thôn) thì sau khi tổ chức lại lực lượng có thể sẽ làm tăng số lượng ở khu vực này.

Mặt khác, ở đô thị (nhất là các thành phố lớn), mặc dù tổ dân phố có quy mô dân số lớn hơn ở nông thôn nhưng thực tế diện tích bố trí dân cư rất nhỏ (thậm chí chỉ trong 1 khu chung cư), nếu bố trí Tổ ANTT theo tổ dân phố thì không thực tế và sẽ khó khăn trong việc phân định phạm vi nhiệm vụ theo địa bàn hoạt động…

Tin cùng chuyên mục