Tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất

Các học giả cũng nhất trí tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất, ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc, và là ví dụ nổi bật nhất về các tranh chấp trong khu vực.

Ngày 9-11, tại TP Đà Nẵng, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 tiếp tục thảo luận các chủ đề nóng bỏng về an ninh và phát triển khu vực.

Đại biểu các nước trao đổi thông tin tại hội thảo
Các đại biểu đã tiếp tục thảo luận và đề xuất các nhóm vấn đề như: xây dựng các lực lượng trên Biển Đông; xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông; trật tự và bất ổn trên Biển Đông: tổng kết quá khứ và định hình tương lai...

Tổng kết, đánh giá về tình hình tại Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả cũng nhất trí tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất, ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc, và là ví dụ nổi bật nhất về các tranh chấp trong khu vực.

Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều nước trong và ngoài khu vực như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản.

Tranh chấp Biển Đông có quan hệ mật thiết với tranh chấp ở các khu vực biển lân cận khác, như Biển Hoa Đông, do đó tác động mạnh mẽ tới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung tại khu vực.

Về chính sách của các nước đối với vấn đề Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả đánh giá các nước giữa mức duy trì lập trường và có một số điều chỉnh nhất định, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

Các học giả đi sâu phân tích việc điều chỉnh chính sách đối với khu vực của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nga, Anh, Pháp đồng thời nhất trí việc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc hiện nay là không có lợi cho ổn định khu vực.

Trước đó, ngày 8-11, trong khuôn khổ chương trình Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10, sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tập trung thảo luận theo 4 phiên với các chủ đề gồm: Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm: 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên: tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn: can dự hay không can dự.

Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến, trao đổi sôi nổi của các học giả về bối cảnh địa chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị, tổng kết những thay đổi trên thực địa của khu vực Biển Đông và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan trong 10 năm qua.

Từ đó, các học giả cũng nhất trí về vị trí địa chính trị chiến lược của khu vực Biển Đông, cho rằng Biển Đông là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn lao ở khu vực do nằm ở nơi giao kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là điểm trung chuyển từ lục địa Á - Âu ra đến đại dương.

Đặc biệt, nhìn từ góc độ học thuật, khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã được hình thành từ lâu, nhưng cho tới cuối năm 2017, các nước trong khu vực mới dần xây dựng cách tiếp cận riêng và đưa ra chính sách xuất phát từ các mục tiêu riêng.

Các học giả cũng cho rằng Ấn Độ đang tập trung vào chính sách cân bằng, ngăn chặn chiến lược; Nhật Bản quan tâm tới ý tưởng kết nối trên biển; ASEAN ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tính mở và bao trùm, thúc đẩy các nước nhỏ gắn kết với nhau, với vai trò trung tâm của ASEAN; Australia muốn thông qua chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tăng cường vị trí tại khu vực.

Theo các học giả dự đoán, việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn nữa trong tương lai; các cơ chế của ASEAN như Cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) có thể đóng vai trò chủ chốt trong ý tưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EAS có thể ưu tiên tới hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.


Trong ngày 9-11, bàn về giải pháp xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông thời gian tới, nhiều học giả cho rằng các bên tranh chấp cần xem lại yêu sách của mình, từ bỏ các yêu sách thái quá, không phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; từ đó thu hẹp tranh chấp, tiến tới từng bước giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Các học giả ghi nhận trong thời gian qua các bên đã nỗ lực đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tuy nhiên cảnh báo tiến trình đàm phán COC sẽ mất nhiều thời gian. Nhiều đại biểu từ các nước ngoài khu vực mong muốn ASEAN và Trung Quốc tăng cường minh bạch tiến trình đàm phán, tôn trọng lợi ích hợp pháp của các nước ngoài khu vực.

Bên cạnh COC, nhiều học giả cho rằng các nước ASEAN cũng có thể chủ động đề xuất các sáng kiến xây dựng các quy tắc ứng xử khác ở Biển Đông, như quy tắc ứng xử phòng chống va chạm không mong muốn ở trên không, hoặc chuẩn mực xử lý vấn đề rác thải nhựa ra biển...

Phát biểu trong phiên bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, đánh giá cao những chia sẻ đóng góp tích cực từ các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo. Sau 10 năm tổ chức, hội thảo đã chứng tỏ tầm quan trọng, thể hiện tính lan tỏa trong tăng cường nhận thức vấn đề Biển Đông. Ngoài đa số các điểm đã đạt được đồng thuận, việc còn tồn tại những khác biệt trong đánh giá càng cho thấy yêu cầu tiếp tục chuỗi hội thảo quốc tế trong những năm tới.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng, sau 10 năm các học giả đã có thể thảo luận với niềm tin lớn hơn về một hệ thống dựa trên luật lệ; nhiều khía cạnh pháp lý đã trở nên rõ ràng hơn, các học giả có nhận thức chung rằng luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ.

Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo đã có 36 bài phát biểu được trình bày cùng với hơn 200 lượt thảo luận, trao đổi sôi nổi với nhiều đề xuất nội dung thảo luận mới, thể hiện nỗ lực đóng góp của giới học giả trong và ngoài nước đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông.

Tin cùng chuyên mục