Tranh cãi về sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19

Nhiều chuyên gia cho rằng, đến lúc cần suy nghĩ lại về ưu tiên xét nghiệm trong chống dịch.
Một bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19
Một bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19

Theo tạp chí Slate của Mỹ, với những lợi thế như sản xuất với chi phí thấp, dễ sử dụng và cho kết quả nhanh chóng, xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 đang được sử dụng rộng rãi trên cả thế giới như là một công cụ giúp kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đến lúc cần suy nghĩ lại về ưu tiên xét nghiệm trong chống dịch.

NBC News cho biết, tại Đức, người dân có thể dễ dàng tìm mua bộ xét nghiệm nhanh tại các tiệm tạp hóa với giá dưới 1 USD/bộ.

Ở Ấn Độ, giá 1 bộ vào khoảng 3,5 USD. Ở Singapore, giá dao động từ 6-10 USD/bộ (tùy loại), nếu mua với số lượng lớn giá sẽ rẻ hơn nhiều.

Trong khi đó, ở Anh, chính quyền phát miễn phí cho người dân 14 bộ xét nghiệm/tháng. Với Canada, các doanh nghiệp được chính phủ cấp miễn phí bộ xét nghiệm…

Việc để người dân tự xét nghiệm ở nhà, hay doanh nghiệp chủ động xét nghiệm cho người lao động được xem là cách để phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng một cách nhanh chóng, từ đó tránh việc lây lan rộng. Thay vì phải đến các trung tâm xét nghiệm, xếp hàng dài chờ xét nghiệm RT-PCR, việc người dân tự xét nghiệm ở nhà bằng bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào thời điểm hiện tại nên xem xét lại. Dù các nhà sản xuất dụng cụ xét nghiệm nhanh đều khẳng định độ nhạy của bộ xét nghiệm nhanh lên đến trên 90%, nhưng Giáo sư y học truyền nhiễm Kim Nam-joong tại Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul cho rằng, độ nhạy của bộ xét nghiệm nhanh thấp hơn nhiều so với xét nghiệm RT-PCR. Vì vậy, dễ dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác.

Trong khi đó, Micheal Mina, một giáo sư trợ giảng chuyên ngành dịch tễ học tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết với việc sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh, một gia đình của Mỹ với 2 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường phải mất khoảng 500 USD/tháng cho tiền xét nghiệm nhanh cả gia đình. Đây là một khoản chi phí không hề nhỏ đối với đa số gia đình ở Mỹ. Khi học sinh trở lại trường học, nhu cầu tăng cao, khoản chi phí này sẽ còn tăng lên.

“Nhiều nước đang quá đề cao vào sức mạnh của các bộ xét nghiệm nhanh. Nên dừng việc làm tốn kém tiền của này lại. Thay vào đó, hãy tập trung nguồn lực cho vaccine. Đó mới là giải pháp để thoát khỏi đại dịch”, ông Micheal Mina nói.

Dù vậy, vẫn nhiều ý kiến không đồng tình với việc ngừng sử dụng bộ xét nghiệm nhanh. Kênh ABC dẫn lời người đứng đầu Lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) Andrew Barr nhận định, xét nghiệm nhanh có thể là một trong những công cụ để ACT ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Chia sẻ với quan điểm trên, nhà dịch tễ học Australia, Giáo sư Darren Gray, cũng cho rằng xét nghiệm nhanh có thể sử dụng ở nhiều cơ sở khác nhau trong ACT, từ viện dưỡng lão, trường học cho đến các doanh nghiệp.

“Khi bắt đầu mở cửa, các xét nghiệm nhanh có thể giúp theo dõi, kiểm soát đại dịch, bởi nó sẽ cho chúng ta biết về sự lây nhiễm và xu hướng lây truyền”, Giáo sư Gray nói.

Giáo sư Chon Eun-mi chuyên ngành hô hấp tại Bệnh viện Mokdong thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) thì cho rằng, tập trung tăng số lượng xét nghiệm nhanh để tìm ra các trường hợp không có triệu chứng càng nhanh càng tốt, giúp kiểm soát được dịch bệnh… 

Tin cùng chuyên mục