Tranh cãi lộ trình loại bỏ năng lượng hóa thạch của IEA

Với tiêu đề “Net Zero vào năm 2050: Lộ trình cho ngành năng lượng toàn cầu”, Báo cáo đặc biệt Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo con đường khó khăn này đòi hỏi một sự chuyển đổi chưa từng có về cách thức sản xuất, vận chuyển và sử dụng năng lượng trên toàn cầu.

Báo cáo đưa ra nghiên cứu toàn diện đầu tiên trên thế giới về cách chuyển đổi sang hệ thống năng lượng tái tạo vào năm 2050, trong khi đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và giá cả phải chăng, tạo khả năng tiếp cận năng lượng toàn cầu và cho phép tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Lộ trình trong báo cáo của IEA bao gồm hơn 400 cột mốc quan trọng để định hướng con đường hướng tới mức phát thải carbon dioxide (CO2) toàn cầu bằng 0 vào năm 2050.

Các bước chính trong lộ trình gồm: Dừng ngay mọi hoạt động đầu tư vào các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch mới và không đầu tư vào nhà máy chạy than mới; đến năm 2035, không sản xuất và bán ô tô chở người chạy xăng dầu; đến năm 2040, đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trong ngành điện toàn cầu.

Tranh cãi lộ trình loại bỏ năng lượng hóa thạch của IEA ảnh 1 Một cụm turbine điện gió ở bờ biển Bắc nước Anh

Lộ trình cũng yêu cầu bổ sung dần hàng năm điện mặt trời để đạt 630 gigawatt và năng lượng gió đạt 390 gigawatt vào năm 2030, tức gấp 4 lần mức của năm 2020… IEA kiến nghị đưa lộ trình này vào thảo luận tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) ở Glasgow, Scotland sắp tới.

Lộ trình của IEA đã đón nhận luồng ý kiến khen lẫn chê từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. 7 nền kinh tế tiên tiến lớn nhất thế giới (G7) đã đồng ý ngừng tài trợ quốc tế cho các dự án than phát thải CO2 vào cuối năm nay và loại bỏ dần sự hỗ trợ đó cho tất cả nhiên liệu hóa thạch.

Alok Sharma, Bộ trưởng Vương quốc Anh chủ trì các cuộc đàm phán toàn cầu COP26 ở Scotland tuyên bố: “Tôi hoan nghênh báo cáo của IEA”. Người đứng đầu chính sách về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans cho biết, khối này tìm cách tích cực hơn để hạn chế khí thải thông qua những thay đổi đối với chế độ thuế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg mô tả lộ trình của IEA chỉ là một báo cáo suông và Na Uy - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu - sẽ không thay đổi chính sách dầu khí. Oslo thậm chí đề nghị giảm thuế như một động lực thúc đẩy các dự án khai thác dầu khí mới.

Cố vấn Khí hậu quốc gia của Nhà Trắng Mỹ Gina McCarthy cho rằng, lời khuyên của IEA đáng được xem xét kỹ lưỡng nhưng sự thay đổi đó nên diễn ra từ từ và các dự án nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục được thực hiện. Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cũng ca ngợi báo cáo của IEA nhưng cũng không đưa ra bất kỳ cam kết mới nào.

Nhật Bản, nước thải ra CO2 lớn thứ ba châu Á vào năm 2019, sau Trung Quốc và Ấn Độ, thì nhận định báo cáo của IEA không phù hợp với chính sách của nước này. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cho biết, các khuyến nghị của IEA về việc ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến biến động giá dầu nếu được thực hiện.

Hai quốc gia Đông Nam Á là Philippines và Indonesia cũng tỏ thái độ không đồng tình với IEA. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho biết, kế hoạch của IEA sẽ “cản trở khát vọng phát triển tới mức thu nhập trung bình cao của Philippines”.

Ông Hendra Sinadia, Giám đốc Hiệp hội Khai thác than Indonesia dự báo, thế giới đang chuyển sang năng lượng tái tạo, nhưng nhu cầu về than vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong một vài thập kỷ tới.

Tin cùng chuyên mục