Tranh cãi đánh bắt cá hậu Brexit: EU dọa trả đũa Anh

Pháp cùng 10 nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) vừa ra tuyên bố chung kêu gọi châu Âu có lập trường chung phản đối cách thức Anh xử lý tranh cãi với Pháp về vấn đề giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit (Anh rời khỏi EU).
Tàu đánh cá nhỏ của Pháp neo đậu tại cảng Boulogne-sur-Mer
Tàu đánh cá nhỏ của Pháp neo đậu tại cảng Boulogne-sur-Mer

“Không đầy đủ và không thỏa đáng”

Ngày 11-10, các nước Đức, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển đã ký tuyên bố được Bộ Hàng hải Pháp đưa ra tại Hội đồng Bộ trưởng Nông nghiệp và Đánh cá châu Âu họp ở Luxembourg. Tuyên bố nhấn mạnh cách xử lý của Anh đối với yêu cầu cấp giấy phép đánh bắt là “không đầy đủ và không thỏa đáng”.

Quyền đánh bắt cá trên biển là một trong những điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán hậu Brexit vào tháng 1-2020. Theo thỏa thuận ký kết, ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này từ trước đó... Các tàu đánh cá của EU được phép tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế của Anh cách bờ biển 12 hải lý (hơn 22km). Hạn ngạch sẽ giảm dần 25% trong 6 năm. Một số lượng tàu cá, chủ yếu của Pháp và Bỉ sẽ tiếp tục được đánh bắt ở khu vực cách bờ biển Anh 6 hải lý (hơn 11km). Trước sự kiện Brexit, các tàu đánh cá của Pháp vẫn được đánh bắt tại vùng biển giàu hải sản Jersey. Tuy nhiên, sau khi Anh rời EU, chính quyền địa phương ở Jersey cũng công bố những quy định mới về cấp phép đánh bắt cá trong khu vực và bị ngư dân Pháp phản đối khi cho rằng quy trình mới với nhiều thủ tục sẽ cản trở họ tiếp cận vùng biển này.

Pháp và Anh vẫn vướng vào một cuộc khẩu chiến tại các khu vực đánh bắt vẫn còn tranh chấp (cách bờ biển Anh và quần đảo eo biển Manche 9,6 - 19km). Anh và hòn đảo tự trị Jersey do London quản lý đã cấp tổng cộng hơn 200 giấy phép còn hạn, trong khi Pháp yêu cầu cấp 244 giấy phép. Mới tháng trước, Chính phủ Anh chỉ cấp 12 giấy phép trong số 47 các tàu thuyền nhỏ của Pháp đánh cá trong vùng ven biển của Anh.

Phù hợp cam kết trong Hiệp định Thương mại và Hợp tác

Trong thông cáo báo chí, bà Annick Girardin, Bộ trưởng Hàng hải Pháp, nhấn mạnh: “Tuyên bố chung này đánh dấu một bước quan trọng bởi chỉ có một phản ứng tập thể mới cho phép EU xem xét kỹ lưỡng việc tiếp tục các cuộc đàm phán với đối tác Anh”. Bà Annick Girardin cũng cho biết thêm phản ứng của EU và Pháp đối với cách xử lý của Anh sẽ được công bố trong nửa cuối tháng 10 và có thể sẽ bao gồm các biện pháp trả đũa.

Theo Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề EU của Pháp Clément Beaune, Chính phủ Anh có nguy cơ gây “thiệt hại đáng kể về kinh tế và xã hội” cho cộng đồng ngư dân của họ vì các quốc gia có thể sẽ có lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán tương lai về nghề cá nếu việc tiếp cận các vùng biển của Anh không được cải thiện. Khả năng trả đũa cũng bao gồm việc giảm cung cấp năng lượng cho đảo Jersey. Còn tờ Guardian cho rằng, Chính phủ Pháp rất muốn chứng minh rằng họ có được sự hậu thuẫn của các quốc gia khác trong EU và có thể hỗ trợ trả đũa Anh thông qua các hiệp định thương mại, bao gồm thuế quan đối với cá xuất khẩu của Anh hoặc các cuộc đàm phán trong tương lai về khả năng tiếp cận các vùng biển của nhau. Bộ trưởng C.Beaune tuyên bố “đe dọa ngư dân của chúng tôi, sẽ không giải quyết được nguồn cung gà tây của họ vào dịp Giáng sinh”. Các ngư dân Pháp cũng cho biết họ có thể phong tỏa cảng phía Bắc Calais và tuyến đường sắt Channel Tunnel, hai điểm trung chuyển chính cho thương mại giữa Anh và lục địa châu Âu, nếu London không cấp thêm giấy phép đánh bắt trong 17 ngày tới. Thủ tướng Jean Castex đầu tuần trước thậm chí tuyên bố Pháp sẵn sàng xem xét lại hợp tác song phương với Anh.

Trong khi đó, giới chức Anh bảo vệ quyết định này, cho rằng đây là một cách tiếp cận “hợp lý” và hoàn toàn phù hợp với các cam kết của Anh được nêu trong Hiệp định Thương mại và Hợp tác.

Tin cùng chuyên mục