Trang bị kỹ năng phục hồi sau đại dịch

Các trường dạy nghề ở Singapore đang gấp rút điều chỉnh chương trình học sao cho học sinh vừa theo kịp thời thế vừa được trang bị những kỹ năng cần thiết để tồn tại sau đại dịch Covid-19.
 Học sinh tham quan buồng lái mô phỏng tại Trường Ngee Ann Polytechnic
Học sinh tham quan buồng lái mô phỏng tại Trường Ngee Ann Polytechnic

“Nền giáo dục bách khoa sẽ chuẩn bị cho học sinh như thế nào đối với môi trường làm việc đang thay đổi nhanh chóng? Các khóa học có chuẩn bị cho trẻ em trước sự chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra trong nhiều ngành công nghiệp của Singapore không? Bằng cấp nghề có giá trị như bằng đại học chính quy không?”…

Hàng loạt câu hỏi được các bậc phụ huynh đặt ra tại một diễn đàn do Trường Ngee Ann Polytechnic (NP) tổ chức mới đây khi học sinh chuẩn bị cho năm học thứ ba giữa đại dịch Covid-19. Phát ngôn viên của NP, Mah Wee Beng, cho biết họ đang tận tâm tận lực để điều chỉnh nội dung khóa học và cách giảng dạy các bài học, cũng như trải nghiệm thực tế hàng ngày để bắt kịp với tốc độ thay đổi kỹ thuật số. 

Các bậc phụ huynh cũng lặp lại những câu hỏi lâu năm về giáo dục nghề như liệu học sinh trường nghề có khó vào được các trường đại học địa phương hay không; những ưu và nhược điểm của nền giáo dục dạy nghề so với việc học ở trường cao đẳng.

Ông Mah trả lời rằng, trong những năm gần đây, việc các học sinh học tốt được vào các trường đại học địa phương đã trở nên phổ biến hơn nhiều. Hiện NP đang triển khai thí điểm một phần Chương trình Học tập cá nhân hóa huấn luyện các học sinh về kỹ năng chuyên nghiệp, tinh thần kinh doanh, sự sẵn sàng toàn cầu và lãnh đạo xã hội. Học sinh có thể chọn học các lĩnh vực như phân tích dữ liệu, Internet vạn vật, ngoại ngữ và kỹ năng sẵn sàng toàn cầu.

Mỗi học sinh phải hoàn thành 3 đơn vị học tập. Mỗi đơn vị học tập có 45-60 giờ trong một học kỳ. Cuối chương trình 3 năm sẽ được cấp một chứng chỉ nhỏ kèm bằng tốt nghiệp. Chương trình thí điểm dự kiến sẽ được triển khai toàn bộ vào năm học 2023 cho tất cả đối tượng học toàn phần. Lúc đó, tất cả các học viên nhập học sẽ phải hoàn thành ít nhất một đơn vị học tập từ chương trình như một yêu cầu tốt nghiệp tối thiểu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lawrence Wong cho biết, chương trình thí điểm mới sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi nghề nghiệp của sinh viên để dễ dàng chuyển sang các lĩnh vực tăng trưởng mới và cho phép sinh viên nắm bắt cơ hội mới trong nền kinh tế tương lai. Các nhà giáo dục và chuyên gia cũng cho rằng giáo dục nghề có thể hữu ích ngay lập tức sau đại dịch.

Theo Phó Giáo sư Xã hội học Tan Ern Ser của Đại học Quốc gia Singapore, thái độ đối với bằng tốt nghiệp trường nghề đã thay đổi trong thời gian qua: “Ngày càng có nhiều phụ huynh và học sinh nhận ra những lợi thế của việc đi theo tuyến đường đa năng vì nó đào tạo cho học sinh các kỹ năng ứng dụng, kỹ thuật cụ thể và cung cấp nền tảng để theo đuổi các kỹ năng đó ở cấp độ đại học hoặc chuyên nghiệp”.

Ông Louis Teoh, Giám đốc tư vấn khách hàng của Công ty Giải pháp phần mềm và phân tích, cho biết đại dịch đang khiến lực lượng “lao động lai” trở nên chủ đạo hơn. Điều này có nghĩa là một số vị trí nhất định sẽ ở ngoài Singapore, trong khi người Singapore cũng có thể làm việc từ xa cho các công ty có trụ sở ở nước ngoài. “Nền giáo dục đa hướng cung cấp những đề xuất chất lượng giúp học sinh sinh viên tiếp xúc rộng rãi với các môi trường làm việc khác nhau và tạo các cơ hội trong thế giới thực”.

Tin cùng chuyên mục