Trang bị cho thiếu nhi kỹ năng sàng lọc thông tin và biết chọn cái hay, cái tốt để học

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị, Đoàn - Hội cần trang bị cho thiếu nhi những kỹ năng trong thời đại số, kỹ năng sàng lọc thông tin, biết chọn cái hay, cái tốt để học. Đồng thời giúp các cháu biết phản biện với cái chưa tốt, tạo cho bản thân một "sức đề kháng" tốt với môi trường xung quanh. 
Sáng 5-6, Thành ủy - HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Cùng dự còn có các đồng chí: Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và 150 đại biểu thiếu nhi đại diện cho hơn 1,9 triệu trẻ em TPHCM.
Tăng "sức đề kháng" với môi trường xung quanh
Sau hơn 3 giờ lắng nghe tiếng nói thiếu nhi, lãnh đạo TPHCM đã ghi nhận những tâm sự, hiến kế, đề xuất, chia sẻ những trăn trở của các cháu thiếu nhi.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, điều này giúp TPHCM nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện, chú trọng tăng cường thực hiện các hoạt động cụ thể, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.
Trang bị cho thiếu nhi kỹ năng sàng lọc thông tin và biết chọn cái hay, cái tốt để học ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ gặp gỡ thiếu nhi tại chương trình, sáng 5-6. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua đây, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị, UBND TPHCM hiện thực hóa các đề xuất, giải pháp đã được hiến kế, góp ý liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cũng như những ý kiến đóng góp cho sự phát triển của thành phố, hướng đến xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em.

Đồng thời, quan tâm đến công trình, thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi; khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện các đề án, chính sách cụ thể hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật ở TPHCM.

Cùng với đó, rà soát, củng cố và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em; phối hợp chặt chẽ với tổ tư vấn tâm lý học đường ở các trường học để kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong đó đề nghị, Sở GĐ-ĐT TPHCM chủ động tham mưu cho UBND TPHCM về biên chế cán bộ phụ trách y tế học đường kiêm tư vấn tâm lý cho học sinh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục phát huy vai trò trong tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em. Tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để mở trường lớp, các sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho thiếu nhi, nhất là trong dịp hè, lễ tết.

Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh mà ở đâu, lúc nào, các em cũng nhận được sự chăm lo, giáo dục và học tập. Trong đó, đặc biệt chăm lo cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là con của công nhân, nông dân, người lao động, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi.

Với vai trò của phụ trách Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành Đoàn TPHCM quan tâm, tập trung cho công tác chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, định hướng việc thực hiện phong trào “Thiếu nhi TPHCM làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” một cách thực chất, có hiệu quả, lan tỏa được đến phần đông đội viên, thiếu nhi. Chú trọng đến tính tự quản, tính chủ động của đội viên, thiếu nhi.
Song song với đó, hoạt động Đội cũng cần trang bị cho thiếu nhi những kỹ năng trong thời đại số, kỹ năng sàng lọc thông tin, biết chọn cái hay, cái tốt để học. Đồng thời giúp các cháu biết phản biện với cái chưa tốt, tạo cho bản thân một "sức đề kháng" tốt với môi trường xung quanh. Tổ chức Đội, cùng gia đình, nhà trường, xã hội tạo thành môi trường giáo dục toàn diện cho các em về “Đức – Trí – Thể - Mỹ”.
Chủ tịch HĐND TPHCM cũng mong muốn các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm, chăm lo, lắng nghe và đồng hành cùng con em mình, cùng nhà trường, xã hội, tổ chức Đoàn – Đội định hướng cho các em trong học tập, rèn luyện, trau đổi kiến thức, nâng cao kỹ năng, phòng chống bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em.
Trang bị cho thiếu nhi kỹ năng sàng lọc thông tin và biết chọn cái hay, cái tốt để học ảnh 2 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng quà thiếu nhi tại chương trình, sáng 5-6. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sau buổi gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và Thành đoàn TPHCM phối hợp với các địa phương cùng các tổ đại biểu HĐND TPHCM tại các địa bàn ứng cử nghiên cứu tổ chức các chương trình gặp gỡ các cháu thiếu nhi để kịp thời lắng nghe những lời tâm sự từ đáy lòng của các cháu.
Cùng với đó, ghi nhận các hiến kế, đề xuất nguyện vọng, hoài bão, ước mơ của các cháu nhằm cụ thể hóa thành chương trình hành động thiết thực trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em tốt nhất.
Tạo môi trường không gian mạng trong sạch
Tại chương trình, các em thiếu nhi đã phát biểu sôi nổi, bày tỏ nhiều trăn trở, lo lắng cũng như mong muốn của mình với lãnh đạo TPHCM.
Vấn đề các em thiếu nhi quan tâm rất đa dạng. Ngoài các nội dung dạy và học trong nhà trường, các em cũng trăn trở về môi trường sống, môi trường internet, bạo lực học đường, lạm dụng lao động trẻ em, nâng cao văn hóa đọc cũng như các thiết chế văn hóa dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi hiện nay.
Chia sẻ với các em học sinh, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GĐ-ĐT TPHCM cho biết, ngành giáo dục thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao trong trường học để học sinh vừa giải trí, vừa rèn luyện thể chất.
Về môn học Lịch sử, ông Nguyễn Bảo Quốc thừa nhận, chương trình dạy môn Lịch sử trước đây chưa đáp ứng được mong muốn của học sinh.
Song, hiện nay, cách xây dựng chương trình và phương pháp tổ chức giảng dạy đã có nhiều thay đổi, giáo viên môn Lịch sử cũng đã được tập huấn, tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới. Cụ thể, học sinh không chỉ học lý thuyết mà còn học thêm các hoạt động ngoài nhà trường để học sinh tham quan, học tập, tìm hiểu lịch sử.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM cũng tập trung tổ chức các hoạt động nâng cao văn hóa đọc; bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất theo hướng số hóa; bổ sung các đầu sách trong trường học để học sinh tiếp cận và thay đổi thói quen, có hứng thú với sách.
Chia sẻ thêm về giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa đọc, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết, đây là nội dung được lãnh đạo TPHCM đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều đề án nhằm đưa văn hóa đọc đế với các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh.
Về phía Sở TT-TT TPHCM, sở đã phối hợp trang bị sách cho thư viện ở các cấp học từ mầm non đến THPT. Sắp tới, ngành thông tin sẽ cùng các cơ quan báo chí triển khai nền tảng số để các cháu sẽ truy cập trực tuyến một số đầu báo dành cho thiếu nhi. Đặc biệt, sở tập trung phát triển các ứng dụng, có những trợ lý ảo hỗ trợ để các cháu lựa chọn đọc sách theo đúng lứa tuổi, nhu cầu, sở thích của mình.
Trước băn khoăn của đại biểu thiếu nhi về môi trường internet ngày càng nhiều bất an, ông Lê Quốc Cường khẳng định, môi trường internet hiện đã trở thành môi trường sống, làm việc, không thể coi đó là môi trường ảo. Tuy nhiên, thời gian qua, xã hội số có nhiều tác động tiêu cực đến các cháu.
Theo ông Lê Quốc Cường, lãnh đạo TPHCM biết điều này và đã chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị liên quan tập trung khắc phục. Trong thời gian qua, sở đã xây dựng các công cụ để nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời đối với các thông tin tiêu cực trên không gian mạng.
“Mới đây, có một MV của một ca sĩ nổi tiếng đã tác động rất lớn đến tâm lý, suy nghĩ của các em học sinh và Sở TT-TT TPHCM đã xử lý nghiêm”, ông Cường ví dụ và khẳng định sắp tới, sở sẽ đưa nhiều công nghệ mới để phân tích, cảnh báo sớm để kịp thời xử lý.
“Bản thân internet không có “rác”, “rác” là do con người tạo ra. Do đó, mỗi cá nhân và các cơ quan liên quan phải sớm nhận biết, phát hiện hành vi xả “rác” trên không gian mạng để phản ánh, kịp thời đấu tranh, ngăn chăn”, ông Cường bày tỏ và cho biết Sở TT-TT TPHCM cùng các ban, ngành liên quan sẽ nghiêm túc tiếp nhận, tiếp thu để xử lý, với mục tiêu làm môi trường mạng thật trong sạch cho các em thiếu nhi yên tâm học tập, vui chơi, giải trí trên đó.
Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM chia sẻ, nhiều ý kiến của các cháu thiếu nhi TPHCM rất đúng về thực trạng môi trường hiện nay; đồng thời mong mỏi các cháu thiếu nhi tiếp tục là một lực lượng quan trọng trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, là hạt nhân góp phần đưa môi trường TPHCM ngày một xanh - sạch đẹp hơn.
Trang bị cho thiếu nhi kỹ năng sàng lọc thông tin và biết chọn cái hay, cái tốt để học ảnh 3 Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trao đổi với các cháu thiếu nhi liên quan đến lĩnh vực giao thông, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, từ cuối năm 2021, TPHCM thí điểm 500 xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm TPHCM. Đến thời điểm này, có nhiều người tham gia sử dụng xe đạp công cộng. Ngành giao thông cũng có kế hoạch nhân rộng mô hình này ra nhiều quận huyện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM trong việc đảm bảo nhu cầu đi lại, cũng như an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó, ngành giao thông thực hiện trợ giá xe buýt cho học sinh, đặc biệt là học sinh khó khăn ở các huyện ngoại thành; cùng với đó, đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dẫn lại hai câu thơ của Bác để nhấn mạnh tình yêu thương của Người dành cho thiếu nhi, đó là “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.

Theo đồng chí, đây là lời căn dặn rất quý báu. Chúng ta phải biết quan tâm, yêu thương, chăm lo cho thế hệ măng non của đất nước.


Tin cùng chuyên mục