Trăn trở giải thưởng điện ảnh Việt

Tôn vinh những cá nhân, tác phẩm có đóng góp lớn cho bộ môn Nghệ thuật thứ 7, nhưng các giải thưởng điện ảnh tại Việt Nam hiện nay không phải lúc nào cũng tạo sức hút và sự quan tâm. Khi điện ảnh Việt Nam đang có những sự chuyển mình đáng kể, đã đến lúc các giải thưởng cũng cần sự bứt phá tương xứng.

Tranh cãi 

Đã thành thông lệ, mỗi một mùa giải thưởng điện ảnh khép lại là lúc những tranh cãi xảy ra. Điều đó cũng không phải ngoại lệ với Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 vừa kết thúc tối 27-11. Khá kín tiếng trước khi tổ chức với lời cam kết nhằm tạo sự bất ngờ, nhưng sự bất ngờ ấy lại có nhiều lẽ. 

Bông sen vàng dành cho Song Lang ở hạng mục Phim truyện điện ảnh là cái kết đẹp, đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, không phải giải thưởng nào xướng tên cũng nhận được sự đồng thuận như thế. Như việc Chú ơi, đừng lấy mẹ con là Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn, thật sự quá ngỡ ngàng. Có mâu thuẫn nào ở đây khi một bộ phim từng bị khán giả kêu gọi tẩy chay, nay lại được tôn vinh?

Bên cạnh đó, trong đêm trao giải, việc Trấn Thành thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc và Cua lại vợ bầu nhận giải Kịch bản xuất sắc cũng gây nhiều tranh cãi, bởi ở các hạng mục này, có những ứng viên xứng đáng hơn.

Trăn trở giải thưởng điện ảnh Việt ảnh 1 Nghệ sĩ tham gia thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 tại TP Vũng Tàu. Ảnh: NÔNG NGÂN

Sau đêm bế mạc, NSƯT - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, thành viên ban giám khảo phim truyện, chia sẻ trên trang cá nhân: “Tiếc cho các nghệ sĩ được giải và cả không được giải, không được bộc lộ cảm xúc trên sóng truyền hình, khoảnh khắc mà ai xem cũng chờ đợi. Giá mà bớt múa hát đi thì tốt quá!”.

Theo dõi lễ trao giải, không quá lời khi nói lễ trao giải tại LHP Việt Nam năm nay giống như một buổi “phát thưởng cho học sinh giỏi”. Các nghệ sĩ gạo cội, tên tuổi lần lượt được mời ra đọc tên, rồi trao bằng chứng nhận cho người nhận giải, sau đó lẳng lặng lui về hậu trường. Và, ê kíp Song Lang cũng là những người may mắn duy nhất được nói vài dòng cảm xúc ngắn ngủi. Ở một giải thưởng điện ảnh tầm cỡ quốc gia, cách tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ đoạt giải như vậy đã giảm đi rất nhiều sự trang trọng như nó cần phải có.   

Bên cạnh đó, việc hàng loạt nghệ sĩ được giải trong các hạng mục chính như: Trấn Thành - Hoàng Yến Chibi hạng mục Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc; Isaac - Nam diễn viên phụ xuất sắc, vắng mặt tại lễ trao giải cũng đặt ra một dấu hỏi lớn. Câu chuyện này gợi nhớ đến việc nữ diễn viên Brie Larson khi đang quay bộ phim Kong: Skull Island đã rời Việt Nam về Mỹ dự lễ trao giải Oscar 2016 theo lời mời của ban tổ chức, sau đó lập tức quay lại phim trường. Sự so sánh này, xin dành câu trả lời cho ban tổ chức và những người trong cuộc.  

Nâng chất bằng cách nào?

Ở góc độ những người làm nghề, diễn viên Mai Thu Huyền, đạo diễn Nhất Trung, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng… đồng quan điểm, những giải thưởng như thế này vẫn rất cần thiết trong việc tôn vinh, ghi nhận đóng góp của các tác phẩm, cá nhân, đặc biệt là những người làm công việc thầm lặng sau máy quay. 

Chung niềm trăn trở, các nhà làm phim cho rằng, yếu tố quan trọng nhất nằm ở khâu tổ chức. “Công tác tổ chức các giải thưởng cần sự chỉn chu, kỹ càng hơn. Một số giải thưởng từ thiết kế sân khấu, nội dung chương trình chưa thực mang tính giải trí cao và chưa xứng tầm với quy mô, tính chất của nó”, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng thẳng thắn.

Ở phương diện này, một số giải thưởng âm nhạc cho thấy sự chuyên nghiệp, thu hút khán giả hơn. Việc trả lại đúng vị trí cho các giải thưởng điện ảnh, nói như diễn viên Mai Thu Huyền, cần một bài toán tổng thể từ việc đầu tư, công tác tổ chức, quảng bá cho sự kiện. Theo chị, nghệ sĩ luôn mong chờ được tái ngộ với nhau và với khán giả trong ngày hội của mình.  

Về mặt tổ chức, hiện nay ngoài LHP quốc tế Hà Nội có quy mô và tương đối chỉn chu các sự kiện, còn lại nhìn chung còn khá sơ sài, thiếu bài bản, thiếu trang trọng… Trước thềm lễ trao giải Cánh diều 2019 vừa qua, với những khó khăn về kinh phí, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam từng chia sẻ, có thể ở các mùa giải tiếp theo, lễ trao giải Cánh diều sẽ không được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình. Thay vào đó, sẽ chỉ có một buổi tôn vinh mang tính nội bộ. Những hạn chế về khâu tổ chức khiến các lễ tôn vinh này ngày càng thưa vắng khán giả. Đâu rồi sự chào đón, cổ vũ các nghệ sĩ từ người hâm mộ, khi họ bước lên thảm đỏ, hay được xướng tên trên sân khấu.    

Ngay cả các hội thảo vốn được xem là điểm nhấn, nơi gặp gỡ các nhà làm nghề, quanh quẩn vẫn là những gương mặt gạo cội. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ trên trang cá nhân rằng, anh khá bất ngờ khi mình là đạo diễn trẻ nhất tham gia hội thảo “Nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Trước đó, tại hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam”, một gương mặt trẻ hiếm hoi khác tham dự là đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. Cả hai, thực tế đã có trong tay kha khá tác phẩm ra rạp và đang thực hiện. Một thực tế đáng suy nghĩ đó là việc các nhà làm phim tư nhân không góp mặt, không lên tiếng tại các cuộc hội thảo về nghề, thậm chí… không đến nhận giải.

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho rằng, phải làm thế nào để kết nối giữa thế hệ các nhà làm phim; giữa nhà làm phim với nhà quản lý để mọi người cùng được thể hiện quan điểm, cùng nêu lên tiếng nói của mình, bàn thảo kỹ lưỡng các vấn đề của điện ảnh trong các cuộc hội thảo.   

Một nguyên nhân sâu xa hơn theo nhiều nhà làm phim tư nhân tâm huyết, đó là chất lượng các LHP hiện phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng tác phẩm. Đạo diễn Nhất Trung cho rằng, muốn các giải thưởng thành công, nhất thiết phải có những bộ phim tốt. Trước mắt, “cởi trói” kiểm duyệt, tạo sự công bằng cho phim nội - phim ngoại là những gì cần làm ngay. Trong tham luận của mình, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thẳng thắn: “Tư duy kiểm duyệt của Cục Điện ảnh đang kéo lùi sự phát triển của điện ảnh và làm giảm chất lượng các bộ phim”.

Tin cùng chuyên mục