Trăn trở đầu tư cho văn hóa

Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các bảo tàng hiện hữu, TPHCM đang thiếu một bảo tàng hiện đại mang tính chất tổng hợp, tiêu biểu, chuyên ngành có quy mô lớn ngang tầm với thời đại, với một đô thị lớn, có nhiệm vụ chuyển tải một cách đầy đủ các nội dung về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng đất Sài Gòn - TPHCM xưa và nay, quá trình hình thành phát triển của khu vực Nam bộ với lịch sử của đất nước, con người Việt Nam. Một công trình văn hóa góp phần khẳng định vị thế của TPHCM, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2015 đến 2020, tầm nhìn đến 2025.

Sở VH-TT TPHCM vừa có tờ trình UBND TPHCM về đề án xây dựng Bảo tàng TPHCM, dự kiến sẽ được xây dựng tại Khu Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở quận 9, trong khu đất có diện tích 8ha, với tổng mức đầu tư dự tính trên 1.430 tỷ đồng.  Cùng với dự án Nhà hát Nhạc, Giao hưởng và Vũ kịch TP, đây sẽ là công trình mang dấu ấn của TPHCM trong tương lai.

TPHCM hiện đang quản lý 7 bảo tàng. Trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xây dựng mới một phần, đến nay hầu như TPHCM chưa có một công trình bảo tàng nào được xây dựng mới theo quy chuẩn hiện đại của quốc tế cũng như đúng chuyên môn hoạt động bảo tàng. Chính vì hầu hết công trình bảo tàng đều tận dụng lại từ các dinh thự cũ nên quy mô công trình chưa phù hợp với tiêu chuẩn, công năng hoạt động, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu chuyên môn cần thiết của bảo tàng.

Mặt khác, do các tòa nhà được xây dựng từ nhiều năm trước 1975 và khai thác sử dụng liên tục nên một số khối nhà, khuôn viên, như Bảo tàng TPHCM (Dinh Gia Long cũ), Bảo tàng Lịch sử TPHCM (Viện Viễn Đông bác cổ Sài Gòn trước đây), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, đã xuống cấp, cần sớm thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang để đảm bảo công năng hoạt động và bảo quản nhiều hiện vật quý hiếm. Được sự cho phép của UBND TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đang thực hiện chỉnh lý trưng bày của dự án ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại trong trưng bày, Bảo tàng Lịch sử TPHCM được đầu tư nâng cấp chống ngập cho kho hiện vật tại tầng hầm, tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu với quy mô hàng chục ngàn hiện vật tại đây.

Trước đây, TPHCM từng được mệnh danh là “thánh đường” của nghệ thuật sân khấu, nhưng đến nay, bên cạnh nhiều rạp hát đã thật sự chỉ còn trong ký ức, các cơ sở rạp hát còn lại đều xuống cấp. Tình trạng chung là các rạp hát đều xây dựng từ những năm trước 1975, khai thác sử dụng thường xuyên, đến nay đã quá cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng. Các rạp Kim Châu, Nhân Dân, Thủ Đô đặt trong tòa nhà chung cư nên chỉ sở hữu tầng trệt, mặt bằng nhỏ hẹp, tầng trên là các hộ dân sinh sống. Rạp Hưng Đạo được xây mới thì lại không đáp ứng yêu cầu hoạt động cho sân khấu nghệ thuật cải lương, rạp Công Nhân có suất diễn tuy không thường xuyên, các rạp còn lại không đủ điều kiện biểu diễn phục vụ nên được sử dụng tùy theo điều kiện như dàn dựng, tập luyện, kho đạo cụ, cảnh trí, văn phòng làm việc…

TPHCM đang xây dựng Đề án quy hoạch phát triển ngành văn hóa đến năm 2030, trong đó có việc xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa của TPHCM. Thông qua đó vừa quảng bá lịch sử văn hóa của TPHCM, của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, vừa còn là một điểm nhấn văn hóa để thu hút khách du lịch khi đến TPHCM, góp phần phát triển kinh tế TP.
Ngành công nghiệp văn hóa TPHCM liệu sẽ tạo được thương hiệu như bạn bè trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc..., đó là chuyện của tương lai. Trước mắt chỉ thấy rằng, khi nào tiếng nói của văn hóa nghệ thuật chưa được coi trọng thì còn lâu ngành này mới phát triển tương xứng với kinh tế - xã hội của TP, mới được quan tâm, được đầu tư xứng tầm! 

Tin cùng chuyên mục