Trạm thu phí bủa vây

So với các khu vực khác của cả nước, các tỉnh Đông Nam bộ có nhiều dự án (DA) công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao) đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của khu vực. 

Tuy nhiên, sự tập trung quá nhiều DA giao thông BOT đã làm tăng chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Nhất là sự thiếu công khai, minh bạch về tài chính của các DA BOT đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

20km/trạm thu phí

Trên tuyến quốc lộ (QL) 13 (đi qua đại lộ Bình Dương, TP Thủ Dầu Một) có 2 trạm thu phí (TTP), 1 trạm đặt tại phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An) và 1 trạm tại khu vực phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một). Hai vị trí này cách nhau chưa tới 20km.

Trong khi đó, hướng từ huyện Củ Chi và quận Thủ Đức (TPHCM) đi qua địa phận tỉnh Bình Dương cũng có 2 TTP tại khu vực cầu Phú Cường (TP Thủ Dầu Một) và trên QL 1K (đoạn đi qua thị xã Dĩ An) với khoảng cách so với trạm gần nhất chưa tới 10km. Tại Bình Phước, hiện có 5 DA BOT, trong đó có 4 DA đầu tư và nâng cấp, mở rộng trên các tuyến đường hiện hữu do địa phương quản lý và 1 DA BOT QL14 (đoạn qua cầu 38 đến TP.Đồng Xoài) do Bộ GTVT quản lý.

Hiện Bình Phước có 7 TTP và riêng tuyến đường ĐT.741 từ thị xã Phước Long về TP.HCM có tới 6 TTP là Bù Nho - Đồng Xoài (48km), Đồng Xoài - Tân Lập (29km), Tân Lập - Bố Lá (30km), Bố Lá - Suối Giữa (58km), Suối Giữa - Lái Thiêu (17,2km)…

Trạm thu phí bủa vây ảnh 1 Trạm thu phí Dầu Giây trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
Tại Đồng Nai, các TTP cũng hiện diện khá dày đặc với 6 DA BOT do Bộ GTVT cấp phép và 3 DA BOT khác thuộc thẩm quyền tỉnh cấp phép đã hoạt động và đang triển khai. Trong đó, ngoài tuyến đường tránh TP Biên Hòa và đường cao tốc HLD được đầu tư xây dựng mới, còn lại là các tuyến đường được nâng cấp trên cơ sở đường cũ để thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ (DNVVN) tỉnh Bình Phước Võ Quang Thuận, trung bình mỗi sản phẩm sản xuất ở Bình Phước từ đầu vào, đầu ra phải chịu 24 lần phí khi đi từ Bình Phước qua Bình Dương đến TP.HCM và ngược lại. Nếu từ Phước Long, cứ mỗi lần đưa hàng về TP.HCM, xe phải qua 6 TTP với giá bình quân từ 50.000 - 70.000 đồng/trạm, chịu mất phí tới 12 lần cả đi và về gần 700.000 đồng khiến giá cả hàng hóa của DN giảm sức cạnh tranh hơn nhiều so với các nơi khác.

Trong đó, chỉ riêng đoạn từ Phước Long đến Tân Lập trên tỉnh lộ 741 có chiều dài trên dưới 60km nhưng có đến 3 TTP trong khi quy định khoảng cách giữa các trạm là 70km nên các DN mỗi năm phải mất hơn 1 tỉ đồng để trả phí khi đi qua các trạm.

Để người dân giám sát

Ngoài bố trí các TTP dày đặc làm tăng chi phí cho người dân và DN, các DA BOT giao thông cũng đang bộc lộ nhiều bất cập khác như chất lượng công trình không đảm bảo - nhanh xuống cấp. Điển hình là trên tuyến đường ĐT741 từ Thủ Dầu Một đi Đồng Xoài, hiện đang được mở rộng, nâng cấp nhưng vào thời điểm năm 2016-2017 thì tình trạng ổ gà, ổ voi xuất hiện chi chít trên mặt đường, nhất là đoạn từ Tân Lập đến TX Đồng Xoài.

Vào trước thời điểm kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Bình Phước thì cơ quan chức năng mới yêu cầu công ty BOT vá bớt ổ gà nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng trên lại tái diễn. Kế đó, cũng trên đường ĐT741, đoạn từ Đồng Xoài đi Phước Long dài 54km, sau 2 năm đưa vào sử dụng, đến nay mặt đường toàn tuyến đã xuất hiện hàng loạt ổ gà, ổ voi và những vết nứt chân chim khá lớn. Một DA BOT khác là nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn cầu An Lộc - Hoa Lư trong năm 2017 đã hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ voi gây lo ngại cho người đi đường.

Tại tỉnh Đồng Nai, những năm qua người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông trên QL 51 vào mùa mưa phải đối mặt với tình trạng ngập úng gây tắc đường và tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Nhưng vấn đề đặt ra với các DA BOT hiện nay chính là cần sự công khai minh bạch về tài chính và đặc biệt là cần có cơ chế để người dân có thể tham gia giám sát nhằm kịp thời phát hiện các biểu hiện gian dối, tham nhũng.

Trong buổi làm việc mới đây, phóng viên phải thuyết phục một hồi thì Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Đinh Hồng Hà mới đồng ý cung cấp số liệu tài chính thu - chi của một năm kinh doanh. Tính đến thời điểm quyết toán mới nhất năm 2017, tổng vốn đầu tư của công ty vào DA là 3.779 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đã được quyết toán là 3.486 tỷ đồng (bao gồm cả phần vốn 400 tỷ đồng mua lại DA cũ) và phần còn lại đang trình chủ trương đầu tư.  Dù lưu lượng xe tăng nhanh như thời gian qua và hiện đã xấp xỉ với lưu lượng trên cao tốc TPHCM - Long Thành nhưng rất bất ngờ là số thu phí không đạt theo kế hoạch (!?).

Tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ ký ngày 14-11-2013, quy định khoảng cách tối thiểu mỗi trạm thu phí (TTP) phải đặt cách nhau 70km. Trong trường hợp khoảng cách các TTP không đảm bảo tối thiểu 70km thì trước khi lập trạm phải có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính, UBND các địa phương. Nhưng tại một số tỉnh đã có sự nhập nhằng giữa đường quốc lộ với tỉnh lộ làm cho các TTP nở rộ...

Trong khi phóng viên liên hệ với Chánh văn phòng Công ty cổ phần Kinh doanh BOT đường ĐT 741 Đào Văn Thoan để được cung cấp số liệu về tài chính cũng như phương án giảm phí nhưng ông Thoan cho rằng đây là chủ trương của tỉnh, chủ đầu tư không được cung cấp thông tin. Dự án mở rộng, nâng cấp QL 1K do Công ty TNHH BOT QL 1K đầu tư từ năm 2005, bắt đầu thu phí từ năm 2007, có thời hạn thu phí đến năm 2023 nhưng theo Giám đốc công ty Nguyễn Hữu Tần, mức thu chỉ đạt 80% so với phương án tài chính và cho tới nay “không thể tính được có lời hay lỗ”.

Qua đó cho thấy gánh nặng TTP đang “oằn” trên lưng người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạch toán đầu tư, thu-chi của các DA BOT lại thiếu minh bạch. Do đó, nhằm giảm gánh nặng cho người dân và DN, ngoài các giải pháp miễn giảm phí qua TTP, giảm số lượng TTP thì một giải pháp khác đã được tỉnh Bình Dương áp dụng là mua lại DA. Bình Dương là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc mua lại TTP (trạm An Phú, đường DT 743, được mua lại lại từ tháng 9-2016) đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và DN và cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Với các tỉnh ngân sách còn khó khăn - chưa cân đối được ngân sách như Bình Phước, Tây Ninh,  thì rất cần tăng cường đầu tư từ nguồn lực ngân sách trung ương cho các công trình giao thông trọng điểm, trong đó có việc mua lại các DA BOT để giảm gánh nặng cho người dân và DN, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu...

Hơn thế, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động đầu tư, thu-chi của các dự án BOT. Về phía Bộ GTVT phải yêu cầu các DA BOT công khai tài chính và mỗi năm đều phải có báo cáo cho HĐND tỉnh có DA để cùng tham gia giám sát.

Liên quan đến vụ việc các DN vận tải và người dân Bình Phước kêu cứu vì TTP BOT dày đặc, ngày 23-4 Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản số 3291/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước báo cáo. Văn bản nêu rõ: Thời gian qua, một số báo chí phản ánh ý kiến của DN Bình Phước cho rằng TTP quá dày khiến cho chi phí thành gánh nặng, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là nông sản; Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra những vấn đề nội dung báo chí phản ánh, trong đó rà soát việc thực hiện điều chỉnh mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản 4139/VPCP-CN ngày 07-5- 2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-5-2019. 

Tin cùng chuyên mục