Trăm năm sân khấu cải lương: Cải lương vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ

Từ khởi thủy, những nghệ nhân hát nhạc tài tử, ca ra bộ rồi đến những nghệ sĩ chuyên nghiệp đều học từ những “lò”, những thầy dạy đờn ca, tư nhân. 

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga, Bích Sơn, Văn Chung, Thanh Tú… là học trò của thầy đàn Út Trong. Út Bạch Lan là học trò của Văn Vĩ. Minh Vương là học trò thầy đàn Bảy Trạch (Kim Chung). Có giọng ca, có tâm hồn, được thầy dạy đủ 20 bài tổ rồi, những mầm non cải lương đầu quân vào một đoàn cải lương nào đó.

Đa số đều bắt đầu sự nghiệp cải lương từ vai đào con, thứ nữ , quân hầu… Ngay cả những nghệ sĩ lớn như Ba Vân cũng phải trầy vi, tróc vẩy, đứng trong cánh gà học lóm những “khuôn” diễn của người đi trước, rồi với tài năng biến “khuôn” diễn của người khác trở thành “khuôn” diễn của mình.

Những ngôi sao như Út Bạch Lan, Ngọc Giàu… không tự dưng một ngày mà chói lọi nếu như không đã từng vào vai tỳ nữ, múa… Cho đến năm 1959, chưa có một trường lớp chính quy nào đào tạo nghệ sĩ cho sân khấu cải lương và kịch nói.

Cho dù năm 1956, ở Sài Gòn đã có Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn nhưng nghệ thuật cải lương miền Nam chưa được đặt chân vào. Ban đầu, những người học nhạc tây và nhạc ta chỉ được học ở ban Âm nhạc “ăn ké” trong Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Đại học Mỹ thuật).

Đến năm 1955, ban học Âm nhạc được tách ra khỏi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định về Nha Kỹ thuật học vụ, rồi thân phận của ban Âm nhạc được “thăng tiến” về trụ sở Hội Hòa tấu Nhạc cụ của thời Pháp (Société Philharmonique) nằm ở 112 đường Nguyễn Du theo nghị định ban hành ngày 12-4-1956. Société Philharmonique là một phòng hòa nhạc, có chức năng dạy nhạc của Pháp thành lập năm 1896.

Nơi đây, vào năm 1938, đã có buổi trình diễn nhạc tài tử ngồi trên bộ ván giữa sân khấu. Lúc này, Hội Hòa tấu Nhạc cụ được đổi tên là Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn và trong kỳ thi tuyển đầu tiên ngày 10-10-1956, trong số 2.500 đơn dự thi chỉ lấy 150 nhạc sinh.

Xin được nhắc lại một điều là Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn chỉ thâu nhận nhạc sinh học nhạc tây: dương cầm, vĩ cầm, nhạc Pháp, nhạc sử. Hòa âm và nhạc sinh ngành Cổ nhạc Nam, Trung, Bắc dạy: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn gáo, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn đáy, ống tiêu, ống sáo, chưa có hai bộ môn kịch và cải lương.

Theo lời kể của nhà văn Ngọc Linh, lúc ấy ông có quen thân với ông Nguyễn Văn Tài, chủ bút tờ Tuần san Thương mại Sài Gòn, vì ở cùng chung cư Cửu Long, 128 Hai Bà Trưng. Nhà văn Ngọc Linh biết đại khái ông Tài là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và những lúc ông Tài muốn thâm nhập vào giới sân khấu thì nhà văn Ngọc Linh là cầu nối do ông chuyên viết báo về mảng sân khấu.

Một hôm, vẫn theo lời kể của nhà văn Ngọc Linh, ông Nguyễn Văn Tài nói với ông: “Mình quen thân với Nguyễn Phụng, Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Tại sao bọn mình không xúi Phụng thành lập trường kịch nghệ để đào tạo một lớp diễn viên trẻ có tài năng và lòng yêu nước?”. Cả hai đồng ý bắt tay vào thực hiện “sáng kiến đào tạo mầm non nghệ thuật” một cách chính quy, trường lớp.

Nhà văn Ngọc Linh thì gặp hai cây đa, cây đề ngành sân khấu là nghệ sĩ Năm Châu và Phùng Há rồi nhờ hai nghệ sĩ này thuyết phục nghệ sĩ Lê Hoài Nở và Duy Lân (bị cụt chân khi diễn vở Lấp sông Gianh do chính quyền khủng bố bằng cách ném lựu đạn lên sàn diễn vào năm 1955). Riêng ông Nguyễn Văn Tài thì đến gặp Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn Nguyễn Phụng và sau đó gặp ông Hoàng Trọng Miên để bàn việc thành lập khoa Cải lương và Kịch nói. Thế là vào năm 1960, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn tuyển sinh hai khoa Cải lương và Kịch nghệ và đổi tên thành Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn.

Trăm năm sân khấu cải lương: Cải lương vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ảnh 1 Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn
Ban giảng huấn bộ môn Cải lương gồm những tên tuổi lớn của sân khấu cải lương lúc đó như Trương Phụng Hảo (Bà Bảy Phùng Há),  Kim Cúc (ái nữ nghệ sĩ Bảy Nhiêu) phu nhân của nghệ sĩ Năm Châu), Kim Lan (ái nữ ông Bảy Nhiêu, em Cô Kim Cúc, phu nhân nhạc sĩ guitare - mando Bảy Y), Bích Thuận, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Lê Hoài Nở (soạn giả), Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu), Duy Lân (soạn giả), Duy Chức (em Ông Duy Lân), Vi Huyền Đắc (soạn giả), Trần Tấn Quốc (nhà báo), Nguyễn Văn Tài (nhà báo).

Những nam thanh, nữ tú yêu sân khấu có thể trở thành kịch sinh của ngành cải lương hay kịch nói chỉ cần có bằng trung học đệ nhất cấp (tốt nghiệp lớp 9 bây giờ) và trên 15 tuổi. Sau khi đậu qua kỳ thi tuyển cũng khá ngặt nghèo, kịch sinh học hàng ngày vào mỗi buổi chiều, vì vậy kịch sinh có thể theo học văn hóa phổ thông vào mỗi buổi sáng.

Để tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, khoa Kịch nghệ, kịch sinh phải học trong 4 năm mà không phải đóng khoản phí tổn nào, ngoài tiền mua phấn son để thực tập hóa trang và hàng năm đều phải thi lên lớp như học văn hóa.

Lớp kịch sinh cải lương ra trường đầu tiên vào năm 1964 là Phương Ánh, Bích Sơn, Tú Trinh, Mai Thành…và sau nầy có thể kể thêm Đỗ Quyên, Trường Long, Thoại Miêu…

Những tư liệu còn lại về trường rất ít, chúng tôi tìm được tâm sự của một nghệ sĩ guitar là học sinh của trường những năm 1956 - 1960, trên một trang web về ký ức Sài Gòn, ông viết: “20 năm tồn tại của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, là 20 năm đào tạo ra những nhân tài trong lĩnh vực âm nhạc và kịch nghệ của miền Nam.

Thật vậy, việc thi đậu vào trường là một điều rất khó và càng khó hơn khi thi tốt nghiệp ra trường, nhiều khi 1 khoa ra trường chỉ có 1 người... Chính vì vậy mà chất lượng đào tạo của trường đã cho ra những nghệ sĩ tầm cỡ. Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn - một ngôi trường khiêm tốn về diện tích nằm trên đường Nguyễn Du, quận 1 nép mình bên vườn Tao Đàn xanh mát, cạnh Bộ Phát triển sắc tộc. Điều rất tiếc là hầu như giờ chỉ còn rất ít hình ảnh về ngôi trường này...”.

Tin cùng chuyên mục