Trăm hay không bằng tay quen

Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại vòng chung kết giải U23 châu Á 2022 được đánh giá là vượt ngoài mong đợi. Nguyên nhân là đội bị đánh giá thấp trước khi dự giải, lại không có nhiều thời gian chuẩn bị cùng HLV Gong Oh-Kyun. 

Nhưng trên thực tế, thành công đó không hoàn toàn là bất ngờ nếu chúng ta biết, 17 trong số 23 cầu thủ được HLV Gong Oh-Kyun đưa sang Uzbekistan vốn nằm trong danh sách của gần 70 cái tên khác nhau được HLV Park Hang-seo triệu tập trong suốt năm 2020.

Đó là giai đoạn chuẩn bị SEA Games 31 vốn dự kiến diễn ra vào năm 2021. Thời điểm đó, các cầu thủ (mới 20-21 tuổi) hầu như không có cơ hội thi đấu tại V-League. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có tổng cộng 7 đợt tập trung, mỗi lần gọi gần 40 cầu thủ và được HLV Park Hang-seo trực tiếp huấn luyện trong 1-2 tuần, thi đấu giao hữu 1-2 trận.

Đó là cuộc sàng lọc lớn nhất mà bóng đá Việt Nam từng thực hiện để hướng đến mục tiêu bảo vệ HCV trong bối cảnh các cầu thủ trẻ có quá ít sân chơi. Nhờ vậy mà dù trong năm 2021 không thi đấu nhiều, U23 Việt Nam vẫn thành công rực rỡ từ đầu năm 2022 đến nay.

Nói như vậy để thấy, tài năng không may mắn hay tình cờ xuất hiện. Họ phải được chọn lọc thông qua việc huấn luyện, thi đấu dù ở hình thức hay cấp độ nào. Sẽ không thể có một Phan Văn Đức được HLV Park Hang-seo yêu mến nếu cầu thủ này không tỏa sáng tại giải U21 quốc tế cuối năm 2017, trước khi được tiến cử cho đội U23 dự giải châu Á 2018.

Cũng không thể có một lứa U23 giàu tiềm năng hiện nay nếu họ không được chọn lựa và được ra sân thi đấu dù rất ít. Các cầu thủ trẻ luôn chịu thiệt thòi khi không phải là chọn lựa đầu tiên ở các CLB, vì vậy mà sự trưởng thành của họ luôn cần có tầm nhìn từ những nhà quản lý.

Không phải tự nhiên mà khoảng 20% doanh thu của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, Premier League, phải đóng góp cho các dự án gọi chung là “grassroots” của bóng đá Anh. Chính nhờ số tiền này, mỗi năm có hàng trăm trận đấu dành cho lứa tuổi U23 được tổ chức tại Anh. Thỏa thuận này còn bao gồm quy định về số lượng cầu thủ “home-grown” (đào tạo tại chỗ) mà các CLB bắt buộc phải đăng ký dù có cho họ ra sân hay không.

Quyền sử dụng cầu thủ vẫn thuộc về CLB, nhưng các nhà quản lý bóng đá vẫn phải tìm cách “ép” CLB sử dụng cầu thủ trẻ. Vì quyền lợi của mình, các CLB vẫn sẽ tìm cách “lách”, cơ hội của cầu thủ trẻ cũng không lớn hơn, nhưng ít nhất là CLB cũng có ý thức về trách nhiệm cộng đồng, phát triển tài năng.

Về lý thuyết, dù muốn, Tổng cục TDTT hay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng không thể yêu cầu các CLB tại V-League phải sử dụng bao nhiêu cầu thủ 21 hay 23 tuổi trong mỗi trận đấu. Nhưng có bắt buộc cũng không hiệu quả, bởi các CLB sẽ tìm cách làm chiếu lệ.

Thực tế, ngay quy định mỗi CLB phải có 3 tuyến U, cũng đang được thực hiện sai phương pháp, khi hệ thống thi đấu giải U hiện nay vẫn đang theo thể thức đấu vòng loại và đấu vòng chung kết, nên các CLB sẵn sàng bị loại sớm để đỡ tốn kém. Nói cách khác, làm sao để cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều vẫn là trách nhiệm của nhà quản lý chứ không thể chờ đợi ý thức của các CLB chuyên nghiệp.

Mô hình tập trung với tần suất lớn như năm 2020 rất cần được tiếp tục. Ở thời điểm đó, HLV Park Hang-seo rất lo lắng về chất lượng của cầu thủ trẻ, nhưng nhờ quá trình sàng lọc ấy mà tạo được U23 như hiện nay, bởi chí ít thì cầu thủ trẻ cũng được đá tối thiểu 10 trận/năm, thay vì ngồi dự bị liên tục tại CLB.

Một số quốc gia như Indonesia, Singapore, Australia… còn lập những đội U23, hoặc đội trẻ để đặc cách dự giải hạng nhất, hạng nhì. Tại Việt Nam, do khó khăn về tài chính, không có bất kỳ giải đấu dành cho U23 nào.

Triển vọng dự World Cup của bóng đá Việt Nam ngày một gần hơn, không thể cứ phải đợi những thế hệ đặc biệt theo chu kỳ 10 năm như trước được nữa, mà bắt buộc phải liên tục phát triển cầu thủ trẻ để giữ sự ổn định đẳng cấp đội tuyển. Vì vậy, đã đến lúc cần quyết liệt hơn trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các CLB, đồng thời cũng phải sáng tạo ra những hình thức gia tăng trải nghiệm thi đấu cho các tài năng trẻ.

Tin cùng chuyên mục