Trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá mạnh, người dân, doanh nghiệp... bức xúc

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa ra thông báo tăng mức phí đối với các phương tiện ô tô đi qua hầm Hải Vân (hầm nối TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế) tại trạm thu phí Bắc Hải Vân đặt tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Thời gian bắt đầu điều chỉnh giá vé từ 0 giờ ngày 1-5-2021.
Việc trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá vé và thu gộp cho 2 dự án gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành
Việc trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá vé và thu gộp cho 2 dự án gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành

1 trạm BOT nhưng thu gộp cho 2 dự án

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả lý giải về việc điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân: Vào ngày 11-1-2021, hầm Hải Vân 2 khánh thành, đây là hầm đường bộ xuyên núi dài nhất Đông Nam Á với hơn 6,2km. Cùng với hầm Hải Vân 1 (hoàn thành năm 2005), hầm Hải Vân 2 đã tạo nên một công trình hầm đường bộ hoàn chỉnh, khi phân tách 2 chiều di chuyển riêng cho mỗi ống hầm.

Sau khi khánh thành, nhà đầu tư tạm gác lại những khó khăn về tài chính của dự án vẫn đang còn tồn tại, chủ động đề xuất cơ quan chức năng đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động từ ngày 1-2-2021. Nhận thấy lợi ích rõ rệt mà công trình hầm mang lại cho xã hội sau một thời gian ngắn đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành, với trách nhiệm một doanh nghiệp Việt đối với việc đáp ứng nhu cầu của người dân, nhà đầu tư đã nỗ lực duy trì vận hành liên tục.
Thời gian di chuyển nếu phương tiện đi qua đường đèo là 45 phút. Nếu phương tiện di chuyển 2 chiều qua hầm Hải Vân 1 (trước đây) là 15 phút. Thì nay, với 2 ống hầm Hải Vân được lưu thông mỗi ống hầm 1 chiều, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tiếng ồn, giảm khói bụi do quẩn khí, giảm tiêu hao nhiên liệu của phương tiện, giảm thiểu triệt để tai nạn giao thông, chấm dứt tình trạng ùn tắc kéo dài.
Trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá mạnh, người dân, doanh nghiệp... bức xúc ảnh 1 Hầm đường bộ Hải Vân 2 vừa đưa vào hoạt động

Đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành các nghĩa vụ của Hợp đồng với cơ quan nhà nước khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án. Trên cơ sở Hợp đồng đã ký kết, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 3370/BGTVT-ĐTCT ngày 16-4-2021 đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 khi đưa vào khai thác. Việc điều chỉnh giá vé thực hiện theo lộ trình của Hợp đồng dự án đã ký kết; giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ, người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương của Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam, trạm BOT Bắc Hải Vân đã thực hiện miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện thuộc phạm vi miễn giảm theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Thừa Thiên - Huế cho biết, chưa nhận thông báo chính thức từ phía trạm thu phí Bắc Hải Vân cũng như các cơ quan chức năng về việc điều chỉnh mức thu phí cho một lượt là từ 110.000 đến 280.000 đồng/xe tùy loại xe khi qua trạm thu phí này.

Theo ông Nguyễn Văn Long, nếu Bộ GT-VT đồng ý cho trạm BOT Bắc Hải Vân tăng phí thu như vậy thì quá nhiều vì bình thường giá vé qua trạm này đã cao gấp 2 lần so với các trạm khác.

Trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá mạnh, người dân, doanh nghiệp... bức xúc ảnh 2 Bảng giá dành cho các loại xe qua trạm BOT Bắc Hải Vân 

“Trong điều kiện các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì việc tăng phí lần này là không hợp lý. Việc thu phí qua hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia tại trạm Bắc Hải Vân cũng không hợp lý vì nguyên tắc sử dụng chỗ nào thì thu phí chỗ đó. Đã có nhiều ý kiến về vấn đề này tại nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa có câu trả lời cụ thể từ phía các đơn vị có liên quan”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Việc bất hợp lý khi trạm BOT Bắc Hải Vân nhưng lại thu gộp cho cả phí đường bộ qua hầm đường bộ Hải Vân 2 và hầm đường bộ Phú Gia, hầm đường bộ Phước Tượng khiến rất nhiều người dân Lăng Cô và Đà Nẵng qua lại lẫn nhau chỉ lưu thông qua mỗi hầm đường bộ Hải Vân nhưng phải trả tiền cho phí đường bộ của hai hầm Phú Gia và Phước Tượng.
Cú "đá bồi" sau dịch Covid-19

Trong khi Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đang nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng quá lớn bởi dịch Covid-19 thì Tập đoàn Đèo Cả lại đột ngột cho tăng giá vé qua trạm BOT Bắc Hải Vân ngay trong dịp Lễ 1-5. Việc làm này như "cú đá bồi" khiến người dân và doanh nghiệp chưa kịp gượng dậy sau dịch Covid-19 lại phải đối mặt thêm khó khăn. 

Nhiều tài xế ô tô thường lưu thông qua cung đường này phân tích, ô tô 5 chỗ ngồi di chuyển 100km từ Đà Nẵng ra đến TP Huế thường chỉ tiêu tốn trên dưới 100.000 - 130.000 đồng tiền xăng, dầu. Trong khi, nếu trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá lên 110.000 đồng/chiếc, cộng với trạm BOT Phú Bài 35.000 đồng/chiếc thì tổng tiền mua vé đường bộ qua trạm BOT cho chuyến đi từ Đà Nẵng đến Huế và ngược lại là 145.000 đồng, cao hơn cả tiền nhiên liệu.

Trạm BOT Bắc Hải Vân tăng giá mạnh, người dân, doanh nghiệp... bức xúc ảnh 3 Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân 

Ông N.X.T. lái xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại cho rằng, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các xe buýt hơn một năm qua gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều thời điểm phải nghỉ hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu.

Đến nay, hoạt động xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại cũng lâm tình cảnh ế ẩm, thua lỗ, nguy cơ phá sản do nạn xe trá hình trên tuyến ngày càng hoạt động rầm rộ với hàng trăm đầu xe, dùng đủ chiêu trò lách luật, đối phó cơ quan chức năng…

“Gặp dịch Covid-19, lãi vay tiền ngân hàng mua xe vẫn phải trả mà xe thì không có khách hoặc tạm dừng hoạt động. Khi dịch tạm được khống chế thì ngày may mắn lắm mới có 5 - 7 khách lên xe từ bến. Anh em chúng tôi vốn đã như ngồi trên đống lửa, giờ lại phải gồng gánh trả thêm phí qua trạm Bắc Hải Vân thì chỉ còn nước bán xe”, ông N.X.T. nói.

Tương tự, các chủ doanh nghiệp vận tải, thường xuyên lưu thông qua cung đường Huế - Quảng Nam cho rằng, việc tăng phí qua trạm BOT Bắc Hải Vân sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và phải điều chỉnh lại giá vận chuyển.

Ông H., một chủ doanh nghiệp chuyên vận tải vật liệu xây dựng từ Quảng Nam ra Huế lo lắng, nếu tăng giá vận chuyển thì mặt hàng cát cũng sẽ tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng và cuối cùng là người dân sẽ bị ảnh hưởng từ việc tăng gía này. 

“Doanh nghiệp tôi có nhiều xe ben "bốn giò" (bốn trục - PV) chạy qua trạm thu phí này nên tôi thường mua vé tháng. Nếu tăng giá thu phí như thông báo thì sắp tới mỗi xe tôi phải đóng thêm 1,2 triệu đồng/tháng. Tính ra tôi phải mất thêm mấy chục triệu mỗi tháng, đây là con số không nhỏ”, ông H. nói.

Liên quan việc Bộ GT-VT có văn bản đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Bộ GT-VT không lấy ý kiến tỉnh về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục