Trái cây Việt được thế giới ưa chuộng

Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có thêm nhiều loại trái cây xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand… Đến nay, Việt Nam đã mở cửa được 16 thị trường cho nhiều loại trái cây như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, dưa hấu, mít, chuối. Trong đó có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Nhu cầu sử dụng trái cây tăng

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), giai đoạn 2010-2019, tăng trưởng thương mại trái cây thế giới đạt trung bình 5,3%/năm. Đến năm 2019, tổng thương mại trái cây thế giới đạt 311 tỷ USD, riêng trái cây tươi đạt 243 tỷ USD.

Theo dự báo của FAO, thương mại trái cây trên thế giới có xu hướng tăng trưởng khá tốt trong các năm qua, đặc biệt là các mặt hàng trái cây nhiệt đới chiếm tỷ trọng lớn. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 1,1%/năm, đến năm 2030 dân số thế giới sẽ tăng lên 8,3 tỷ người. Nếu mức tiêu thụ trái cây mới đạt 106 kg/người/năm; thế giới sẽ cần sản xuất 1,2 tỷ tấn trái cây, tăng trưởng 2,8%/năm giai đoạn 2016-2030.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân béo phì và tiểu đường đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, khiến vấn đề về sức khỏe, cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn với thực đơn nhiều trái cây ngày càng được quan tâm. Đây là cơ hội lớn cho ngành trái cây Việt Nam, với nhiều loại trái cây nhiệt đới phong phú.

Trái cây Việt được thế giới ưa chuộng ảnh 1 Cục Bảo vệ thực vật đã mời các chuyên gia Mỹ sang Việt Nam để kiểm tra trái thanh long tại Trung tâm Chiếu xạ Sơn Sơn (quận Bình Tân, TPHCM)

Để quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đã cấp 1.749 mã số vùng trồng quả tươi xuất khẩu và gần 1.200 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu cho thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… Riêng thị trường Trung Quốc đã cấp 1.742 mã số vùng trồng cho hơn 180.000ha và 1.840 mã số cơ sở đóng gói.

Cùng với đó, tiến hành rà soát hiện trạng công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đơn cử, những ngày cuối năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành mở cửa thị trường thạch đen sang Trung Quốc, thanh long ruột đỏ sang Hàn Quốc, bưởi tươi sang Chile. Bộ NN-PTNT đang trong quá trình đàm phán, thực hiện các bước cuối cùng trong việc mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây tươi.

Chuẩn bị từ nhiều năm

Nhiều năm qua, trái cây Việt Nam bị phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Chỉ cần thị trường này “sổ mũi”, nhiều sản phẩm cần được “giải cứu”. Do vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam buộc phải mở rộng thị trường. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ đối mặt nhiều hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe mà nước sở tại đưa ra, để bảo hộ sản xuất nông nghiệp nội địa. 

Để xuất khẩu được các thị trường, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông Cục Bảo vệ thực vật, chia sẻ, trung bình trái cây tươi mở cửa 1 sản phẩm từ 1 - 3 năm. Tránh chờ thời gian quá lâu mới xuất khẩu được, cục đã triển khai liên tục hồ sơ của trái cây. Đối với thị trường đã mở cửa cho một sản phẩm, cục sẽ dựa vào mẫu trước đã hoàn thiện để đẩy nhanh tiến độ. Cục thường xuyên trao đổi thông tin và kết quả giám sát các nhà máy được ủy quyền phục vụ cho chương trình tiền kiểm tra để duy trì xuất khẩu quả tươi trong khi chuyên gia chưa thể sang Việt Nam làm việc do Covid-19. Đồng thời, tổ chức họp trực tuyến với cơ quan nông nghiệp nước nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ NN-PTNT, việc nghiên cứu chi tiết về yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu của các cơ quan, để phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời và hiệu quả. Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận thức đủ về yêu cầu quy định của thị trường, chưa chặt chẽ trong đàm phán, ký kết các hợp đồng. Điều này đặt ra thách thức đối với xuất khẩu trái cây do năng lực bảo quản và sơ chế còn thấp. Cục sẽ liên kết với thị trường để tìm hiểu chính sách, phối hợp với địa phương để tổ chức sản xuất phù hợp. Cục phối hợp với viện, trường nghiên cứu để bảo quản bằng đường biển trong thời gian lâu nhất khi triển khai thị trường khó tính và vận chuyển xa hơn. Trong tương lai, trái cây hướng tới xuất khẩu chế biến, tạo thêm khác biệt để cạnh tranh.

Các loại trái cây đã và đang xúc tiến xuất khẩu

Đến nay, các loại trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Mỹ đã nhập thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài; hiện đang xúc tiến nhập bưởi. Nhật đã nhập thanh long, xoài, vải; hiện đang xúc tiến nhập nhãn. Hàn Quốc đã nhập thanh long ruột trắng, xoài; đang xúc tiến nhập thanh long ruột đỏ, vú sữa. New Zealand đã nhập thanh long, xoài, chôm chôm; đang xúc tiến nhập chanh, chanh leo, bưởi, nhãn, vải. Australia đã nhập thanh long, xoài, vải, nhãn; đang xúc tiến nhập chanh leo. Trung Quốc nhập thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, dưa hấu, mít, măng cụt; đang xúc tiến nhập khoai lang, sầu riêng. Argentina nhập thanh long, vải; đang xúc tiến nhập nhãn, xoài. Chile nhập thanh long; đang xúc tiến nhập xoài, bưởi, chôm chôm. Ấn Độ nhập thanh long; đang xúc tiến nhập bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng; Thái Lan nhập thanh long, sầu riêng, chuối, dừa; đang xúc tiến nhập chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa. 

Tin cùng chuyên mục