Trái cây Việt cần chiến lược khai phá thị trường nội địa

Không thể tự hào nếu Việt Nam là quốc gia có thế mạnh xuất khẩu nhiều loại nông sản (trong đó có trái cây) đến các nước, nhưng thị trường nội địa lại để trái cây ngoại chiếm lĩnh (trừ trái ôn đới) và trái cây nội chỉ là lựa chọn thứ 2 trong mắt người tiêu dùng.
Trái cây trong nước bán tại chợ . Ảnh: THÀNH TRÍ
Trái cây trong nước bán tại chợ . Ảnh: THÀNH TRÍ
 Sản xuất rau quả phải đạt chuẩn an toàn 

Phải khẳng định, một con én không thể mang đến mùa xuân, một mình Vina T&T group không thể xoay chuyển cục diện trái cây tươi trong nước. Tất nhiên, khi có doanh nghiệp (DN) khởi đầu việc cung cấp trái cây tươi nội địa với chất lượng cao cho người tiêu dùng nội địa thì sẽ có thêm nhiều DN khác tham gia. Nhưng về tổng thể, nếu không có một chiến lược thật sự của ngành rau quả trong việc cung ứng cho thị trường nội địa - khi mà người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính và nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được xã hội quan tâm - thì sẽ khó nói đến sự thành công. 

Ngành rau quả nói chung, trong đó có trái cây, muốn lấy lại niềm tin khách hàng trong nước, trước tiên phải thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… để có sản phẩm an toàn, chất lượng, tương đương các tiêu chuẩn xuất khẩu. Kinh nghiệm từ việc hình thành các mã vùng trái cây để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Australia... cho thấy, khi DN xuất khẩu và nhà vườn có cùng mục đích là lợi nhuận thì họ sẽ cùng nhau nỗ lực hết mình. Lúc đó, chủ vườn sẽ không phàn nàn vì phải ghi chép đầy đủ ngày tháng về việc chăm sóc, số lần phun xịt, tuân thủ các quy trình và quy định cụ thể về thời gian cách ly khi trồng và chăm sóc cây, trái. 

Theo Bộ NN-PTNT, với diện tích 300.000ha trái cây, trong đó, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi là những cây trồng chủ lực xuất khẩu thời gian qua, sau nhiều năm đàm phán với các nước, bộ đã cấp gần 6.000 mã số vùng trồng trái cây cho những sản phẩm này. Hiện bộ đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây xuất khẩu khác. Nhưng theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung, để xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đến các thị trường khó tính, cũng như cung cấp nông sản chất lượng cho thị trường trong nước, phải giải quyết cho được các vấn đề về an toàn và kiểm dịch (không tồn dư thuốc BVTV) trong phạm vi cả nước. Đó là mục đích của ngành. Và cũng là điều mà người nông dân mong muốn, vì diện tích sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP ngày càng được mở rộng sẽ giúp người sản xuất có đầu ra ổn định.  

Nâng cao chế biến

Trong chiến lược phát triển rau quả xuất khẩu, sẽ là thiếu sót nếu xem nhẹ chế biến. Ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định ngành rau quả phải tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất trái cây, nâng cao khả năng tồn trữ, hạn chế thiệt hại sau thu hoạch. Riêng về chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây, hiện đã có những tiến bộ với các sản phẩm chế biến từ đóng hộp, sấy, các loại quả đông lạnh, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, bột trái cây… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Đi đầu trong chế biến trái cây phải kể đến Công ty cổ phần Vinamit, từ cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, khi việc xuất khẩu rau quả tươi Việt Nam còn loay hoay tìm cách xâm nhập vào các thị trường thì sản phẩm của Vinamit, đặc biệt là mít sấy, đã được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng. Khi đã khẳng định thương hiệu ở nước ngoài, Vinamit mới quay về thị trường nội địa, xuất hiện trang trọng trong các hệ thống siêu thị. Sau đó là sự xuất hiện một loạt nhà đầu tư trong nước cùng tham gia chế biến trái cây.  

“Ông hoàng chế biến trái cây Việt Nam” (theo cách gọi của người trong ngành) Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Vinamit, cho biết lúc đầu sản phẩm của Vinamit chưa thật sự phong phú. Khi nhu cầu sử dụng trái cây chế biến của khách hàng tăng cao, Vinamit mới tăng chủng loại sản phẩm cung cấp cho thị trường xuất khẩu và nội địa với chất lượng như nhau. Hiện Vinamit có 8 dòng sản phẩm trái cây chế biến như trái cây đông lạnh, trái cây sấy chân không, trái cây sấy dẻo, trái cây sấy lạnh, trái cây sấy gia vị, trái cây sấy phủ chocolate, các loại kẹo trái cây. Nguồn nguyên liệu là trái cây nội địa như thanh long, chuối, mít, sầu riêng, dưa hấu, bơ, dâu… được sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm an toàn của châu Âu (EU) và chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). 

Năm 2017, Nhà máy Tanifood là dự án đầu tiên của Lavifood xây dựng tại xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) với diện tích gần 15ha, tổng số vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Với dây chuyền sản xuất tiên tiến và công nghệ hiện đại của Đức, Thụy Điển, Ý, Nhật, cụm Nhà máy Tanifood là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

Nhà máy này có dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt công suất 10.000 tấn năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước Juice bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy Tetrapak 144 triệu hộp/năm. Nhà máy Lavifood khi đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ chế biến khoảng 500 tấn nguyên liệu/ngày. Ngoài xuất khẩu, sản phẩm của Lavifood còn phân phối trong nước qua hệ thống siêu thị Co-opmart.

Bên cạnh các nhà máy tư nhân quy mô nhỏ hay cơ sở chế biến, theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 7 dự án đầu tư nhà máy chế biến nông sản, nhất là trái cây, đang được xây dựng và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2018 trở đi. 

Tin cùng chuyên mục