Trách nhiệm không thể chối bỏ

“Khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái đất có nguy cơ biến mất”, đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Liên hiệp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) về tác động của nền văn minh hiện đại đối với thế giới tự nhiên, hôm 7-5 vừa qua.
Thải rác, nhựa, thuốc trừ sâu khiến các hệ sinh thái bị ô nhiễm...
Thải rác, nhựa, thuốc trừ sâu khiến các hệ sinh thái bị ô nhiễm...

Bản báo cáo dày 1.800 trang của IPBES nhấn mạnh việc tàn phá và hủy hoại không thương tiếc những tài nguyên mà “Mẹ” Trái đất ban tặng. Trong bài xã luận có tựa đề Loài người đối mặt với trách nhiệm trên tờ Le Monde có đoạn: “Cách đây 65 triệu năm, cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 5 đã xảy ra, tiêu diệt 3/4 số giống loài trên Trái đất. Những cuộc đại tuyệt chủng trước đó hàng trăm triệu năm đã tiêu diệt 95% số sinh vật sống. May mắn là chúng ta chưa rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng không thể phủ nhận là hành tinh của chúng ta đang hướng tới cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 và sự kiện này sẽ xảy ra với nhịp độ rất nhanh, tức là chỉ trong vài thập niên. Và thủ phạm duy nhất chính là loài người”.

Theo giới khoa học, con người phải chịu trách nhiệm về nguy cơ các giống loài sinh vật tuyệt chủng không kém gì so với trách nhiệm làm Trái đất nóng dần lên, ít nhất vì 2 lý do. Thứ nhất, không gì có thể thanh minh cho việc loài người tự ban cho mình quyền cho các giống loài khác được sống hay phải chết. Loài người đã gây ảnh hưởng tới sự sống của nhiều giống loài trong tự nhiên, khai thác thái quá các nguồn tài nguyên đất, rừng, đại dương, khiến khí hậu biến đổi chệch hướng, thải rác, nhựa, thuốc trừ sâu khiến các hệ sinh thái bị ô nhiễm... Thứ hai, loài người không thể tách rời khỏi hệ sinh thái. Ngầm phá hoại đa dạng sinh thái, loài người đã đẩy tương lai của chính mình vào hiểm họa. Còn tờ Le Figaro lấy hình ảnh vị thần Prometheus trong Thần thoại Hy Lạp - người đánh cắp ngọn lửa từ thần Zeus và trao cho loài người - để nói về một nghịch lý: con người có được lửa, đồng nghĩa với sức mạnh, sự sống và tiến bộ và với ngọn lửa đó, con người đang phá hủy Trái đất. Hay sự tăng trưởng kinh tế thế giới đã đưa một phần nhân loại thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nhưng cái giá phải trả chính là môi trường. Vậy làm sao để cứu Trái đất?

Theo Le Monde, đáp án nằm trong tay chính phủ các nước. Năm 2010, tại Hội nghị Đa dạng sinh thái ở Aichi, Nhật Bản, các quốc gia đã đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hầu như không có mục tiêu nào đạt được. Hội nghị sẽ lại được tổ chức tại Trung Quốc vào cuối năm 2020 và tại đây, các nước tham gia sẽ phải đưa các cam kết cụ thể. Họ không thể lẩn tránh câu hỏi về cách thức phát triển ít có hại tới thiên nhiên, cũng như về sự đóng góp tài chính, cách phân chia đóng góp giữa các nước giàu với các nước nghèo để duy trì và khôi phục hệ sinh thái.

Ông Robert Watson, chủ trì phiên họp của IPBES, cho rằng đã đến lúc các chính phủ cần phải cân nhắc thấu đáo, đưa tầm nhìn vượt qua các mục tiêu tăng trưởng GDP. Còn theo tờ La Croix, để bảo vệ sự đa dạng sinh học, con người cần chọn phương thức tiêu dùng, ưu tiên phát triển nền kinh tế bền vững hơn, tiêu thụ bớt năng lượng, sử dụng ít hóa chất hơn, tiêu dùng ít thực phẩm, ít nước, giảm lượng rác thải ra môi trường, sử dụng vật dụng trong thời gian lâu dài hơn... 

Tin cùng chuyên mục