Trách nhiệm của sáng tạo

MV ca nhạc mới nhất của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã buộc phải tiêu hủy bản ghi hình, tháo gỡ bản ghi hình dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số cũng như nộp phạt 70 triệu đồng theo quyết định xử phạt vào ngày 5-5 của Bộ VH-TT-DL.

Đây không phải lần đầu nghệ sĩ bị xử phạt hành chính, nhưng nếu trước đây câu chuyện dừng ở ăn mặc phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, ca từ dung tục… thì sự việc lần này lại khác. 

MV của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đề cập đến thực trạng tự tử trong giới trẻ, một câu chuyện báo động được cả xã hội quan tâm. Thế nhưng, nội dung của video ca nhạc trên được nhận định là góp phần kích thích thêm sự “manh động” cho những tâm hồn đang mong manh hơn là ánh sáng cuối đường hầm...

Trước khi tháo gỡ MV trên nền tảng chia sẻ video YouTube, MV ca nhạc này đã đạt mốc 8 triệu lượt xem. Thế mới thấy, trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ quan trọng như thế nào. Khi được khán giả yêu mến gọi là nghệ sĩ thì trách nhiệm với cộng đồng càng nhiều hơn. Bởi là người của công chúng, có ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ khán giả nên từ cách hành xử đến sản phẩm sáng tạo không thể hời hợt được.

Với sự phát triển của truyền thông, các nền tảng trực tuyến…, một bộ phận nghệ sĩ nhanh chóng khẳng định mình trong xu thế nghe nhìn của thị trường giải trí. Những giá trị nghệ thuật, giá trị sáng tạo đôi khi bị bỏ quên sau con số “triệu view” (triệu lượt xem). Nghệ thuật hướng đến những giá trị nhân văn thường thua thiệt cũng là vậy, có hay đến mấy mà chẳng theo kịp trào lưu thì lượt xem, lượt chia sẻ chỉ lèo tèo chứ đừng nói đến chuyện kiếm được tiền từ các nền tảng trực tuyến.

Sẽ không ai dám khẳng định công chúng sẽ bắt chước hoàn toàn những câu chuyện từ một sản phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ cũng không phải là người gánh vác hay chịu trách nhiệm cho những điều chưa hay trong xã hội. Nhưng thước đo cho sự thành công của một sản phẩm nghệ thuật, sự thành công của người nghệ sĩ chính là khán giả. Không có sự yêu mến và ủng hộ của công chúng đương thời thì người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm để cho ai và tác phẩm không có người nghe, người xem thì sáng tạo để làm gì? Bởi thế mà trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ và tác động của sản phẩm nghệ thuật tới cộng đồng là điều đáng lưu tâm. Nhất là với những nghệ sĩ có tiếng, sở hữu nhiều lượt theo dõi khủng trên các nền tảng số.

Trong những sự việc như MV ca nhạc của nam ca sĩ trên cũng cần nhìn nhận lại vai trò của công tác quản lý văn hóa. Chuyện tháo gỡ MV khỏi nền tảng số sau khi phát hành cũng chỉ là giải pháp cho sự đã rồi. Về lâu về dài, cần có sự kiểm duyệt cho các sản phẩm video ca nhạc trước khi phát hành dù là hình thức nào, kể cả trên các nền tảng trực tuyến. Cần sự quan sát, “tiền kiểm” hơn là “hậu kiểm” để sai thì gỡ.

Trong xu thế công nghệ 4.0 cũng phải tính đến chuyện nghệ sĩ hay người sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến cần phải được đào tạo và cấp phép hoạt động như “chứng chỉ hành nghề” để người làm nội dung từ các nền tảng số hiểu được sự tác động và hệ quả xã hội từ các sản phẩm chia sẻ trực tuyến. Nội dung sáng tạo phải vừa nghệ thuật mà cũng đủ văn minh. Suy cho cùng, nghệ thuật phải hướng đến giá trị tốt đẹp và nghệ sĩ là người tạo ra sản phẩm tốt đẹp đó.

Nghệ sĩ không có nghĩa vụ cõng trên vai hàng loạt trách nhiệm cộng đồng nhưng một trong những quy tắc thuộc Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ mà Bộ VH-TT-DL ban hành gần đây chính là “phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa đến cộng đồng”. Đây cũng là sự khác biệt để đánh giá người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng đáng với sự yêu mến mà công chúng gọi là nghệ sĩ.

Tin cùng chuyên mục