Trách nhiệm của mỗi người

Dịch Covid-19 đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng. Mặc dù số người nhiễm ở Trung Quốc đã giảm nhưng sự lây lan sang các nơi khác trên thế giới đang gia tăng với mức độ chóng mặt. 
Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến nay, hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận có bệnh nhân Covid-19. Theo báo Pháp Le Monde, dịch bệnh bùng phát ở miền Bắc Italy đã bất ngờ thay đổi nhận thức về căn bệnh này ở châu Âu. Ngay cả khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa đủ điều kiện để công bố đại dịch thì cuộc khủng hoảng cũng đã sang bước ngoặt mới, đặt mỗi người phải đối mặt với trách nhiệm của chính mình.

Le Monde nhận định cuộc khủng hoảng lần này đã nâng cao nhận thức về các tương tác liên quan đến toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thu mình lại và cô lập không phải là giải pháp mà ngược lại, phải tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế. Chúng ta phải tỉnh táo để nhận ra rằng các biện pháp ngăn chặn áp dụng trong các ổ dịch bùng phát đầu tiên được phát hiện chỉ làm chậm sự lây lan của virus chứ không hoàn toàn ngăn được dịch. Chẳng hạn như lệnh cấm các chuyến bay từ Trung Quốc đã không có hiệu quả trong việc bảo vệ Italy, một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện biện pháp này.

Vì vậy, đây là thời kỳ buộc chúng ta phải tăng cao cảnh giác để kịp thời có phản ứng tương xứng với tình hình sức khỏe ở mỗi quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhắc nhở các nhà lãnh đạo, giới truyền thông và mỗi chúng ta về nghĩa vụ của mình. Lợi dụng đảng phái, làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi và hoảng loạn tập thể là những cạm bẫy cần phải tránh bằng mọi giá.

Về mặt chính trị, tính minh bạch phải là trung tâm của hành động để duy trì niềm tin của công chúng. Điều này sẽ được chuẩn bị tốt hơn nếu các diễn biến được báo cáo chính xác. Việc Bắc Kinh đang phải vất vả xử lý khủng hoảng là một ví dụ. Còn tại Italy, việc phe cực hữu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng để gia tăng bài trừ người nước ngoài không khác gì đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Pháp cũng xảy ra tranh cãi về khả năng chuẩn bị của Paris khi đối phó với dịch bệnh giữa Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Agnès Buzyn, hiện là ứng cử viên kế vị bà Hidalgo.

Về phần mình, các phương tiện truyền thông cũng phải cẩn thận giữ mình không chạy theo các tin giật gân, tỉnh táo trước những tin đồn, vốn lây lan nhanh chóng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Việc tin tức giả mạo đầy rẫy đã làm hạn chế hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa và chữa trị đúng đắn, gây rối loạn tâm lý tập thể.

Cuối cùng, không nên ỷ lại mọi thứ vào các cơ quan công quyền mà nên đặt câu hỏi liệu chúng ta đã hành động đúng chưa, có tôn trọng một cách tối thiểu các quy định hay lại che giấu cho người thân và cả cộng đồng. Khi sự lây lan của dịch Covid-19 gia tăng, cuộc khủng hoảng chính là lúc để nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính trị, giới truyền thông và tất cả chúng ta về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên, để từ đó cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Tin cùng chuyên mục