Trả lại không gian biển cho dân

Trong xu hướng phát triển chung, việc lấn biển để mở rộng diện tích đầu tư được xem là giải pháp cần thiết ở các tỉnh, thành phố ven biển đang khan hiếm đất. Tuy nhiên, cách lấn biển ở TP Quy Nhơn (Bình Định) đã gây nên bức xúc cho người dân... 

Một ngày cuối tháng 4-2019, trở lại khu lấn biển Mũi Tấn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), phóng viên Báo SGGP ghi nhận, khu đất 12ha này đã được dọn sạch cỏ, gió nồm thông thốc từ biển kéo theo bụi bặm bao trùm cả một vùng.

Khu lấn biển không có kè ngăn cách bị sóng dội mạnh, xô sạt một số vị trí. Dọc bờ biển xuất hiện một vệt bùn đen, tiếp giáp với khu lấn biển chừng 3m. 

Ông Phạm Thanh Hoàng (người dân phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) kể: “Cuối năm 2013, người ta bắt đầu đổ đất lấn biển. Các phương tiện mang bùn đất, đá, xà bần đến đổ xuống biển. Ban đầu, mới lấn biển xong, khu đất phát sinh bụi bặm nhiều lắm. Do bị bỏ hoang lâu, cỏ dại bắt đầu mọc lên nên ít bụi hơn. Tuy nhiên, mới đây người ta lại đưa phương tiện đến ủi bới khu đất lên để dọn cỏ làm lòi đất, xà bần, bụi tấn công mù mịt vào khu dân cư. Không những thế khu lấn biển bít lối ra biển của dân, gây ô nhiễm bãi tắm, bụi bặm; việc bỏ hoang lâu năm cũng gây xấu xí mặt tiền của thành phố…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 6 năm trước (tháng 10-2013), lãnh đạo tỉnh Bình Định đồng ý cho một doanh nghiệp thực hiện việc san lấp biển tại khu vực Mũi Tấn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), với diện tích 12ha để làm dự án cáp treo Hải Gang, phục vụ cho du lịch.

Thời điểm đó, để “dọn đường” cho dự án này, tỉnh Bình Định đã phải di dời khẩn 131 hộ dân. Cuộc di dân lúc ấy diễn ra khá nhanh dù ban đầu cũng có vài trường hợp phản đối. Dân dời đi, chủ đầu tư đổ đất lấn biển xong thì “im hơi”. 

Để khỏi chướng mắt, tránh phát sinh bụi, chính quyền cho bít kín khu đất lại bằng sắt thép, tôn. Đến mùa nắng, tường rào tôn sắt trở thành lá chắn gió biển gây nóng bức, ngột ngạt.

“Người dân nơi đây mong mỏi chính quyền làm gì thì làm cho nhanh đi, chứ để đó chướng mắt lắm! Tuyến đường Xuân Diệu là mặt tiền của TP Quy Nhơn, vậy mà giờ cứ bị bịt vậy thì khó coi lắm! Trước kia, chưa lấn biển đó là bãi cát đẹp, dân ra biển tắm; ở đó có nhiều sò lông rất to, chỉ cần ra đến biển là có tiền…”, một người dân cho biết.

Trả lại không gian biển cho dân ảnh 1 Người dân TP Quy Nhơn chui qua hàng rào tôn để ra biển

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, lý giải về khu lấn biển Mũi Tấn: Ban đầu do địa phương mong muốn có được một dự án du lịch tầm cỡ để phát triển nên mới tạo điều kiện cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi khu lấn biển Mũi Tấn hình thành, giữa tỉnh và nhà đầu tư không thống nhất quy hoạch, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Địa phương nhất quyết không đồng ý cho nhà đầu tư làm biệt thự trên khu lấn biển này nên mới dây dưa, kéo dài.

Hiện khu lấn biển này đã được chuyển lại cho một doanh nghiệp tầm cỡ ở TPHCM tiếp tục thực hiện. 

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý nội dung đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với khu lấn biển Mũi Tấn. Tổng diện tích quy hoạch sẽ rút xuống còn 6,8ha.

Cơ cấu sử dụng đất được chia làm 2 khu chức năng chính, bao gồm: phân khu 1 (4,2ha) là khu công viên cây xanh vui chơi giải trí, bãi đậu xe…; phân khu 2 (2,6ha) là khu dịch vụ du lịch, thương mại, khách sạn cao tầng. 

Theo ông Hồ Quốc Dũng, để tiếp tục triển khai dự án, chủ đầu tư sẽ phải nạo vét 40% khu lấn biển và phải xây kè chắn bao quanh để bảo đảm môi trường. Số vật chất nạo vét sẽ được chở lên bờ để phục vụ việc san lấp mặt bằng của của các công trình khác.

Tất cả kinh phí, chủ đầu tư tự bỏ ra, không dùng đến ngân sách. “Trong năm 2019 này phải làm xong bờ kè, công viên để trả lại không gian biển cho người dân”, ông Hồ Quốc Dũng nói.

Tin cùng chuyên mục