TPHCM: Xây dựng dự toán chi cho giáo dục trên tinh thần tiết kiệm

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi hiệu trưởng các trường THPT và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn thực hiện ngân sách năm 2020 và triển khai xây dựng dự toán 2021, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước trong 3 năm từ 2021-2023.

Theo đó, nhằm đánh giá tình hình thực hiện chi ngân sách năm 2020, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các cơ sở giáo dục đánh giá tình hình thực hiện dự toán kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo 6 tháng đầu năm 2020 (số dự toán đã rút và sử dụng đến ngày 30-7-2020, so sánh với số dự toán được giao năm 2020) và dự kiến cả năm 2020. Trong đó, các đơn vị đánh giá kết quả thu và sử dụng nguồn thu sự nghiệp, dịch vụ, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến nguồn thu sự nghiệp năm 2020 của đơn vị.

Song song đó, để xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các trường xây dựng dự toán ngân sách đảm bảo đúng chế độ, chính sách của nhà nước, cân đối nguồn tài chính để thực hiện các chế độ, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.  

TPHCM: Xây dựng dự toán chi cho giáo dục trên tinh thần tiết kiệm ảnh 1 Trường học ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học theo hướng đổi mới công nghệ
Trường học cần thực hiện chi tiêu công tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu - chi, rà soát lồng ghép các chế độ, chính sách và nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học.
Trong điều kiện cân đối ngân sách còn khó khăn, đơn vị sử dụng ngân sách xây dựng dự toán chi thường xuyên có trách nhiệm đánh giá, rà soát hệ thống các chính sách, biên chế, định mức hiện hành để làm cơ sở tính toán xây dựng dự toán, cập nhật các văn bản mới về chính sách chế độ, nhiệm vụ được giao năm 2021 theo tinh thần triệt để tiết kiệm.

Cụ thể, dự toán chi cần hạn chế mua sắm ô tô, phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết khác, yêu cầu dự toán chi cho các nhiệm vụ này trong năm 2021 không tăng so với số thực hiện trong năm 2020.

Mỗi đơn vị trường học cần xác định rõ quỹ lương, phụ cấp, các khoản đóng góp tăng thêm khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng lên 1.490.000 đồng/tháng, xác định số thu nhập tăng thêm cho giáo viên theo cơ chế đặc thù của TP, đảm bảo hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức là 0,6 lần hoặc 0,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ.

Bên cạnh đó, các trường học xây dựng dự toán thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khó khăn, chú ý chính sách điều chỉnh mức học phí cho học sinh bậc nhà trẻ, THCS và bổ túc THCS tại các trường công lập.

Năm học này, TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện chính sách phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, cũng như các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, thu hút giáo viên và hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo.

Sở GD-ĐT TP nêu rõ, trong năm 2021, các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định, trong đó tiết kiệm 10% chi thường xuyên (từ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ), trích 40% cải cách tiền lương từ nguồn thu để lại theo quy định.

Về mua sắm trang thiết bị dạy học, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị trường học ưu tiên trang bị máy móc, thiết bị phục vụ giảng dạy học tập theo hướng đổi mới công nghệ. Việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình và mua sắm trang thiết bị cần được lựa chọn một cách có trọng điểm, ưu tiên cân đối từ nguồn ngân sách chi thường xuyên dự kiến được giao năm 2021 và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Tin cùng chuyên mục