TPHCM: Xây dựng Đề án chuyển đổi số trong tuyển sinh các lớp đầu cấp

Sáng 7-4, tại Hội nghị tập huấn và triển khai công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2022-2023 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, nhiều quận, huyện đã kiến nghị TPHCM triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến trên phạm vi toàn thành phố nhằm tạo điều kiện cho các địa phương thống kê kết quả tuyển sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3) trong một tiết học diễn ra vào cuối tháng 3-2022
Học sinh Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3) trong một tiết học diễn ra vào cuối tháng 3-2022

Tại quận Gò Vấp, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, hàng năm tổng số HS huy động vào các lớp đầu cấp trên địa bàn quận hơn 23.000 HS. Trong đó, vào học lớp lá (mầm non 5 tuổi) khoảng 6900 HS, lớp 1 khoảng 8.500 HS và lớp 6 là 8.000HS.

Nhiều năm qua, địa phương triển khai tuyển sinh đầu cấp theo quy trình 4 bước gồm: Bước 1, UBND phường thu thập thông tin đăng ký của cha mẹ HS từ tổ dân phố để lập danh sách trẻ 6 tuổi, riêng các trường tiểu học lập danh sách HS hoàn thành chương trình tiểu học gửi về Phòng GD-ĐT.

Bước 2, Phòng GD-ĐT tiến hành kiểm tra, so dò danh sách trẻ 6 tuổi và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học để tiến hành phân tuyến, in giấy báo nhập học.

Bước 3, UBND phường phát hành giấy báo nhập học cho trẻ vào lớp 1 thông qua tổ dân phố. Đối với lớp 6, trường tiểu học phát hành giấy báo nhập học khi cha mẹ học sinh đến nhận hồ sơ hoàn thành chương trình tiểu học.

Bước 4, căn cứ vào nội dung của giấy báo nhập học, cha mẹ học sinh đến trường được phân tuyến để làm thủ tục nhập học cho con em.

Với cách thức tuyển sinh nói trên, đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp nhận định còn nhiều hạn chế. Đơn cử, nhiều trường hợp cha mẹ học sinh vì đi làm ăn xa, không dự họp tổ dân phố, không nắm được thông tin nên không đăng ký thông tin trẻ 6 tuổi dẫn đến tình trạng trẻ có hộ khẩu tại quận Gò Vấp hoặc có hộ khẩu tại tỉnh, thành khác đang tạm trú dài hạn tại quận Gò Vấp không nhận được giấy báo nhập học vào lớp 1.

Bên cạnh đó, một số tổ dân phố, trường tiểu học cập nhật sai, sót thông tin trẻ 6 tuổi và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học dẫn đến danh sách gửi về Phòng GD-ĐT có sai sót, trẻ không được phân tuyến hoặc phân tuyến không đúng vào học lớp 1 và 6.  

Cá biệt, một số trường hợp cha mẹ học sinh đã nhận giấy báo nhập học của trẻ nhưng làm thất lạc nên phải liên hệ với Phòng GD-ĐT xin cấp lại giấy báo nhập học dẫn đến không làm thủ tục nhập học đúng hạn.

Nhìn chung, với quy trình tuyển sinh 4 bước trước đây, cha mẹ HS mất khá nhiều thời gian, công sức đi lại để thực hiện thủ tục. Bộ phận tuyển sinh chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công nên khó tránh việc sai sót.

Nhằm khắc phục những hạn chế đó, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh đầu cấp, từ năm học 2020-2021, quận Gò Vấp đã thực hiện chuyển đổi tuyển sinh đầu cấp từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến theo quy trình mới gồm:

Bước 1, UBND phường lập danh sách trẻ 6 tuổi, các trường tiểu học lập danh sách học sinh hoàn thành chương trình tiểu học gửi về Phòng GD-ĐT.

Bước 2, Phòng GD-ĐT tiến hành cập nhật danh sách vào trang tuyensinh.pgdgovap. hcm.edu.vn, kiểm tra, so dò và xử lý dữ liệu, phân tuyến theo kế hoạch tuyển sinh của Ban tuyển sinh quận.

Bước 3, kết quả phân tuyến sẽ được cập nhật trên phần mềm tuyển sinh để cha mẹ HS tra cứu kết quả.

Bước 4, Phòng GD-ĐT thông báo đến UBND 16 phường và đăng trên website của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp thông tin liên quan công tác tuyển sinh đầu cấp, đính kèm phụ lục phân tuyến, hướng dẫn đăng nhập vào phần mềm tuyển sinh để tra cứu.

Bước 5, cha mẹ học sinh đăng nhập vào trang tuyensinh.pgdgovap.hcm.edu.vn, khai báo chính xác thông tin của con em để tra cứu kết quả tuyển sinh và in giấy báo, đơn xin nhập học từ phần mềm.\

Cuối cùng, bước 6, căn cứ giấy báo nhập học, cha mẹ HS mang hồ sơ bản chính đến trường được phân tuyến để làm thủ tục nhập học cho con em, không cần photo, chứng thực giấy tờ.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, quận Gò Vấp đã cải tiến phần mềm tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa thủ tục tuyển sinh, cha mẹ HS lớp 1 được trực tiếp đăng ký và chịu trách nhiện về thông tin tuyển sinh của trẻ trên trang tuyển sinh của quận thay vì phải đăng ký thông qua UBND phường nơi trẻ cư trú.

Việc thực hiện tuyển sinh trên phần mềm giúp quá trình kiểm tra, đối chiếu, xử lý dữ liệu tuyển sinh nhanh và chính xác, giảm đáng kể thời gian, nhân lực phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cha mẹ HS chưa có kỹ năng sử dụng vi tính thành thạo hoặc chưa có thiết bị phù hợp để truy cập vào phần mềm tuyển sinh trực tuyến, vô tình hoặc cố ý đăng ký thông tin không khớp với hồ sơ gốc.

Từ thực tế đó, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp kiến nghị UBND các phường, trường tiểu học trang bị máy tính dùng chung để tạo điều kiện cho cha mẹ HS có thiết bị đăng nhập vào trang web tuyển sinh, phân công cán bộ hỗ trợ cha mẹ HS khi cần thiết.

Tương tự, tại huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD-ĐT thông tin, do đặc thù riêng về tình hình phân bổ dân cư, nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện chưa đăng ký tạm trú hoặc thay đổi nơi ở nên phụ huynh đăng ký tuyển sinh ở nhiều nơi khác nhau, HS có tên ở trường này lại đăng ký bổ sung ở trường khác dẫn đến số lượng HS ảo.

Để khắc phục hạn chế đó, từ năm học 2021-2022, huyện Bình Chánh triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đối với lớp 1 và lớp 6. Đáng chú ý, phần mềm bỏ qua bước phụ huynh tự đăng ký mà phân quyền cho các trường tiểu học đưa danh sách HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học lên phần mềm, đồng thời Phòng GD-ĐT cập nhật danh sách trẻ lớp lá hoàn thành chương trình mầm non. Phụ huynh chỉ cần nhận mã hồ sơ HS để kiểm tra thông tin và thực hiện đăng ký nhập học.

Kết quả, đối với lớp 1, tổng số hồ sơ đăng ký trực tuyến trên phần mềm tuyển sinh đầu năm học 2021-2022 là 12.083 hồ sơ, trong đó có 9.438 hồ sơ hợp lệ. Đối với lớp 6, tổng số hồ sơ đăng ký trực tuyến là 6.954 hồ sơ, có 6.472 hồ sơ hợp lệ.

Đánh giá về đổi mới trong công tác tuyển sinh, đại diện Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho rằng, phần mềm tuyển sinh giúp hạn chế số lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh ảo so với việc đăng ký thủ công vì mỗi HS chỉ được đăng ký một lần, đồng thời quản lý chặt việc HS chuyển trường sau khi hết cấp học.

Đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong đổi mới tổ chức tuyển sinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT xây dựng Đề án chuyển đổi số trong tuyển sinh các lớp đầu cấp tham mưu UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện để tạo thuận lợi cho cha mẹ HS.

Trong đó, các địa phương cần nghiên cứu bố trí kinh phí cho các phòng GD-ĐT và trường tiểu học thực hiện tuyển sinh đầu cấp, đơn giản hóa thủ tục và đảm bảo hiệu quả trong công tác tuyển sinh.  

Tin cùng chuyên mục