TPHCM với hai đà tăng - chững

Nếu ngành dịch vụ - thương mại bán lẻ đang chiếm giữ đà phục hồi mạnh mẽ thì ở ngành công nghiệp - chế biến lại có dấu hiệu của đà chững lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trung tuần tháng tám, những hoạt động chuẩn bị cho ngày tựu trường của năm học mới đã góp phần tăng chỉ số tiêu dùng quý 3, giúp giữ mức tăng trưởng mạnh và ổn định ở khối dịch vụ, thương mại bán lẻ của TPHCM. Chủ trương không tăng viện phí, học phí cho đến hết năm 2022, thậm chí cần tiên phong trong việc ủng hộ và triển khai đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xem xét miễn, giảm học phí là một định hướng quan trọng. Một mặt, thành phố nỗ lực thực hiện mục tiêu then chốt là ổn định chỉ số tiêu dùng; mặt khác, tăng cường áp dụng bình ổn giá các mặt hàng phục vụ khai giảng và các mặt hàng thiết yếu của nhóm lương thực, thực phẩm như một động thái thiết thực sẻ chia gánh nặng với người dân - phụ huynh.

Với tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 trên địa bàn thành phố tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 139,8% so với cùng kỳ năm 2021 (ước đạt khoảng 100.320 tỷ đồng), lũy kế qua 7 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 656.119 tỷ đồng). Đà phục hồi của ngành dịch vụ liên tục được giữ vững và xác lập những điểm mốc tăng mới. 

Chính sách mở cửa và phục hồi kinh tế hậu dịch đã phát huy hiệu quả. Nắm giữ và thúc đẩy đà phục hồi ổn định, tích cực này, thành phố sẽ sớm chuyển tiếp giai đoạn tăng tốc với cùng lúc triển khai các biện pháp đã dự phòng và chuẩn bị từ trước như: từ tái kích hoạt các khu vực chợ đêm, khai thác hiệu quả hơn nữa hoạt động các tuyến phố đi bộ và dịch vụ đi kèm đến việc tính toán để kích hoạt toàn diện kinh tế đêm. Đi cùng đó là các hoạt động, chuỗi sự kiện có sức thu hút lớn cả người dân địa phương, vãng lai lẫn du khách.

Đây chính là những “combo” được thiết kế kết nối với du lịch - lĩnh vực được xem là điểm nhấn phục hồi mạnh mẽ nhất của những tháng cuối năm. Ngành du lịch thành phố phải nắm lấy ngay đà phục hồi mạnh mẽ trong những tháng qua để khai thác hiệu quả nhất những kỳ nghỉ lớn, dài ngày và dịp tết.  

7 tháng qua, tổng doanh thu của ngành du lịch thành phố tăng 57,82% so với cùng kỳ (ước đạt 60.379 tỷ đồng); trong đó, khách du lịch nội địa đến TPHCM ước đạt 13,3 triệu lượt, tăng 71,73% so với cùng kỳ và khách quốc tế ước đạt 765.585 lượt. Những con số này sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta tận dụng các hoạt động, chính sách như kích cầu tiêu dùng gắn với việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mãi và đưa sản phẩm lên nền tảng thương mại trực tuyến; xây dựng thêm các tuyến du lịch kết hợp tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí, kinh tế ven sông, du lịch đường thủy… để “tiếp đích” cuối năm thành công.  

Nếu ngành dịch vụ - thương mại bán lẻ đang chiếm giữ đà phục hồi mạnh mẽ thì ở ngành công nghiệp - chế biến lại có dấu hiệu của đà chững lại.

Xu thế suy giảm tạm thời này (thể hiện qua các số liệu công nghiệp, số liệu từ các khu chế xuất/khu công nghệ cao) được lý giải ở các nguyên do khách quan. Đà suy giảm này được dự báo sẽ rõ ràng hơn trong 2 quý cuối năm, đặc biệt ở ngành sản xuất hàng điện tử và dệt may. 

Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đang tìm mọi cách để giữ cho các ngành công nghiệp - chế biến không đi xuống trong những tháng cuối năm. Trong đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông - logistics, cải cách - rút ngắn thủ tục hành chính. Đặc biệt, các dự án đã được cấp phép nhưng vướng thủ tục chưa thể triển khai gây ứ đọng dòng tiền lớn có thể đưa vào ngành sản xuất, công nghiệp của thành phố, nhất là các dự án đã được đăng ký nhưng chưa triển khai được trong Khu công nghệ cao TPHCM.

Trong bối cảnh địa - chính trị - kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, đối diện nhiều sự tác động đến từ điều hành chính sách của các quốc gia lớn, về giá cả, nguồn cung năng lượng, xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào…, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhất là thời điểm càng về cuối năm mà không làm giảm đi đà phục hồi của các ngành dịch vụ - du lịch, mãi lực tiêu dùng bên cạnh duy trì “dòng chảy” chuỗi cung ứng truyền thống lẫn thay thế để có thể đảo chiều đà suy giảm của ngành công nghiệp - chế biến trong giai đoạn tới. 

Tin cùng chuyên mục