TPHCM và TP Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, TPHCM cũng xác định rõ quan điểm đi trước, đi một mình sẽ rất khó khăn; đồng thời khẳng định nếu có nhiều địa phương đồng hành cùng TPHCM thì sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn.

Ngày 21-10, Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Thành ủy TP Hải Phòng về một số nội dung trao đổi, học tập kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng làm trưởng đoàn. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì tiếp đoàn công tác. Cùng dự còn có các đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố.

TPHCM và TP Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị ảnh 1 Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang chia sẻ, TP Hải Phòng cũng được thực hiện cơ chế tổ chức chính quyền đô thị và phát triển huyện Thủy Nguyên thành TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng. Đồng chí Trần Lưu Qang nhận xét, TPHCM là địa phương triển khai sớm việc tổ chức chính quyền đô thị và cũng thành lập TP Thủ Đức từ năm 2021. Đồng thời, TPHCM còn là nơi khởi nguồn của rất nhiều cách làm mới, sáng tạo mà rất nhiều trong số đó tạo thành cơ chế chung áp dụng cho cả nước. Do đó, đồng chí Trần Lưu Quang mong muốn TPHCM chia sẻ kinh nghiệm để TP Hải Phòng triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên có hiệu quả.

Có lúng túng khi triển khai thực hiện

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, khi tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, bộ máy chính quyền được tinh gọn, khắc phục được sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, rút ngắn đáng kể thời gian thực thi các kế hoạch, quyết định hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên. Hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục được phát huy. Qua đó, đã huy động được nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương nói riêng và TPHCM nói chung. 

TPHCM và TP Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị ảnh 2 Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân trình bày về việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, thành lập TP Thủ Đức và những khó khăn, vướng mắc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cùng với đó, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố được tăng cường. Quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy; huy động được ngày càng nhiều nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thành phố…

Tuy nhiên, do TPHCM là địa phương đầu tiên thực hiện ngay tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) nên ở những bước đầu triển khai thực hiện gặp không ít lúng túng. 

Cụ thể là khó khăn về việc bố trí biên chế công chức và cán bộ không chuyên trách làm việc tại các phường hiện nay chưa phù hợp với quy mô dân số. Mặt khác, các quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư. Vì vậy, các địa phương thiếu chủ động trong đầu tư xây dựng cơ bản cũng như thực hiện những nhiệm vụ cấp bách cần phải sử dụng đến kinh phí. 

Đối với việc thành lập TP Thủ Đức, ông Huỳnh Thanh Nhân cho rằng, TP Thủ Đức là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực TP Thủ Đức vẫn chỉ có thẩm quyền tương đương cấp quận, huyên nên vẫn chưa chủ động phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có theo định hướng. 

Trước những khó khăn trên, TPHCM đã kiến nghị Trung ương tháo gỡ từng nội dung.

TPHCM và TP Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị ảnh 3 Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức thông tin về mô hình hoạt động của TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chia sẻ sâu hơn về TP Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp ví TP Thủ Đức như chàng Phù Đổng nhưng chưa được may áo giáp, chưa được trang bị ngựa, roi sắt để “chiến đấu”. Trong khi khối lượng công việc gộp lại của 3 quận rất lớn. Hiện nay, giải pháp của Thủ Đức vẫn là tăng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. 

Chủ động phân cấp ủy quyền cho các địa phương

Chia sẻ thêm về các giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, con đường đi là đúng nhưng trong quá trình làm có những vấn đề chưa lường hết được. Do đó, TPHCM sẽ tiếp tục rà soát, khắc phục các khó khăn trong phạm vi thẩm quyền của Thành phố. Trước mắt, TPHCM đã ban hành các nội dung phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức và các quận, huyện. 

Ngoài ra, HĐND, UBND TPHCM cũng sẽ phân cấp cho HĐND, UBND TP Thủ Đức những nội dung thuộc thẩm quyền; xem xét phân công cho TP Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn thuộc thẩm quyền của các sở, ngành Thành phố. TPHCM cũng sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy để TP Thủ Đức thực sự là đô thị loại 1 để TP Thủ Đức sẽ có thêm quyền hạn theo quy định.

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức sẽ tiếp tục hình thành một số tổ chức như Văn phòng đăng ký đất đai, đội trật tự đô thị, Trung tâm phát triển quỹ đất... để TP Thủ Đức có đủ thẩm quyền gần như TPHCM.

TPHCM và TP Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị ảnh 4 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ về các giải pháp TPHCM đang triển khai khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối với việc tổ chức chính quyền địa phương tại TPHCM ở các quận, đồng chí Võ Văn Hoan cho biết, hiện TPHCM đưa vào nghị quyết mới xem UBND quận là một chính quyền địa phương có dự phòng ngân sách như một cấp ngân sách. “Có nghĩa là mỗi quận sẽ là một chính quyền không hoàn chỉnh, không có HĐND nhưng có dự phòng ngân sách để khi phân bổ hàng năm, TPHCM sẽ bổ sung một phần ngân sách để các quận tự quyết định chi cho các nhiệm vụ trong khuôn khổ phần ngân sách đó”, đồng chí Võ Văn Hoan giải thích.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Hoan, TPHCM cũng đang hoàn thiện đề án đề xuất coi công chức của huyện, phường/ xã như công chức quận. Ở đó, không phân biệt đội ngũ công chức ở huyện hay quận, ở phường hay xã mà coi như một. “Chúng tôi nhận thức, ở TPHCM, huyện gần như quận và chức trách ở huyện đôi khi phức tạp hơn quận bởi đang đô thị hoá, dân cư đông, tình hình phức tạp mà mình xem công chức huyện, xã là công chức loại 2 thì không ổn. Do đó, TPHCM đã đưa nội dung trên vào dự thảo nghị quyết để có căn cứ đối xử bình đẳng với mọi công chức, đào tạo bài bản, quy hoạch chuẩn mực, tạo nguồn nhân sự cho Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu.

Ngoài ra, TPHCM cũng xây dựng biên chế theo quy mô dân số; xin Bộ Nội vụ cho tăng số lượng biên chế và cho phép TPHCM chủ động trong điều tiết biên chế về các địa phương có quy mô dân cư lớn, tính chất phức tạp. 

Sẽ thuận lợi hơn khi có nhiều địa phương đồng hành cùng TPHCM

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, mặc dù TPHCM tiên phong trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, nhất là thành lập TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước nhưng qua triển khai thực hiện, TPHCM cũng nhận diện nhiều khó khăn. 

Theo đồng chí, TPHCM cũng xác định rõ quan điểm đi trước, đi một mình sẽ rất khó khăn và khẳng định nếu có nhiều địa phương đồng hành cùng TPHCM thì sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn. “Quan điểm này đã được đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên xác định ngay từ những ngày đầu thành lập TP Thủ Đức và đã chỉ đạo TP Thủ Đức nghiên cứu các mô hình của các địa phương khác, phải đi cùng với các địa phương đang có nhu cầu xây dựng chính quyền đô thị”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

TPHCM và TP Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị ảnh 5 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thông tin thêm tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TPHCM đang trình Bộ Chính trị có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020; đồng thời, TPHCM cũng đang kiến nghị Trung ương thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết có đề cập đến một số điểm mới, trong đó có cơ chế phát triển TP Thủ Đức để các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo.

Cùng với đó, kiến nghị Trung ương ban hành một số cơ chế để TPHCM thí điểm thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. 

Qua kinh nghiệm mà TPHCM thực hiện thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho rằng TP Hải Phòng cần quan tâm một số lĩnh vực trong đề án trình Trung ương. Cụ thể, đề xuất thành phố trong thành phố phải có thẩm quyền cấp phép quản lý doanh nghiệp, quản lý dự án đầu tư; được vận hành các dự án đầu tư công và các dự án hợp tác công – tư (tùy năng lực để phân cấp); được quản trị các vấn đề về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường trên địa bàn…

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu tin tưởng sẽ nhận được sự ủng hộ của TP Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành đối với các đề xuất mà Thành phố đang kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế để TPHCM phát triển vượt trội. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Trần Lưu Quang trân trọng cảm ơn TPHCM đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà Thành phố gặp phải khi tổ chức chính quyền đô thị và vận hành TP Thủ Đức. Cùng với đó là chia sẻ các giải pháp xử lý trước mắt, đường hướng khắc phục lâu dài. 

Đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định, TP Hải Phòng sẽ đồng hành cùng TPHCM và các địa phương khác trong kiến nghị Trung ương ban hành các cơ chế để các địa phương thực hiện có hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị.

Tin cùng chuyên mục