TPHCM ủy quyền cho TP Thủ Đức ở mức tối đa

Chiều 27-3, đoàn công tác của UBND TPHCM do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu, đã có buổi làm việc, duyệt nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của UBND TP Thủ Đức.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.

TPHCM ủy quyền cho TP Thủ Đức ở mức tối đa ảnh 1 Chủ tịch UBNDTPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
TP Thủ Đức đề xuất đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP Hoàng Tùng cho biết, từ đầu năm đến nay, UBND TP Thủ Đức đã sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sắp xếp trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị. Bộ máy chính quyền TP Thủ Đức nhanh chóng được vận hành và đi vào hoạt động, giải quyết các thủ tục, hồ sơ hành chính của người dân được thực hiện kịp thời. TP Thủ Đức cũng chủ động làm việc với các sở, ngành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn ban đầu, đưa bộ máy vào vận hành thông suốt.

Năm 2021, TP Thủ Đức đặt ra 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong đó thu ngân sách phấn đấu đạt hơn 8.300 tỷ đồng. Điểm mới là TP Thủ Đức đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 trồng mới ít nhất 1 triệu cây xanh trên địa bàn. Về các công trình, dự án trọng điểm, phấn đấu hoàn thành 15 công trình và khởi công 16 công trình trong năm 2021.

Theo đồng chí Hoàng Tùng, 2021 là năm đầu tiên thành lập TP Thủ Đức, là tiền đề phát triển TP Thủ Đức trong thời gian tới. Do đó UBND TP Thủ Đức xây dựng 7 chương trình, đề án của TP Thủ Đức, gồm xây dựng đề án đề xuất cơ chế, chính sách, điều kiện công tác quản lý nhà nước để TP Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững;  xây dựng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức; hoàn chỉnh bộ máy…

TPHCM ủy quyền cho TP Thủ Đức ở mức tối đa ảnh 2 Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại buổi duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của TP Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trình bày trước đoàn công tác một số đề xuất.

Trước hết, về tổ chức bộ máy, hiện bộ máy được xem tương đương cơ quan hành chính cấp huyện. Với quy mô dân số hơn 1,2 triệu người là hết sức khó khăn. Bước đầu, TP Thủ Đức đề xuất được hình thành 4 trung tâm để phục vụ sự phát triển của TP Thủ Đức, gồm: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực TP Thủ Đức; Trung tâm khoa học – công nghệ TP Thủ Đức (phục vụ xây dựng đô thị thông minh); Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thủ Đức trên cơ sở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng - hết sức quan trọng trong việc tạo quỹ đất, tạo nguồn lực cho sự phát triển và Trung tâm công tác xã hội TP Thủ Đức, cũng rất quan trọng để linh động, linh hoạt về tài chính giúp chăm lo công tác xã hội trên địa bàn.

Về một số dự án trên địa bàn còn vướng mắc, kiến nghị TP quan tâm để chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tốc độ các dự án này. Trước mắt khi khi chưa thay đổi được các quy định, thì UBND TP Thủ Đức đã trao đổi với các sở ngành và thống nhất là sẽ có những ưu đãi, ưu tiên cho TP Thủ Đức. Như việc rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án liên quan đến giá, đăng ký các dự án đầu tư công…

“Trong lúc chờ cơ chế đột phá thì phải thay đổi cách làm việc để đảm bảo tiến độ giải quyết công việc”, đồng chí Hoàng Tùng cho hay, đồng thời bày tỏ mong muốn các sở ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ, đẩy nhanh tốc độ các dự án trên địa bàn. Theo đồng chí, các dự án giao thông hiện nay vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác bồi thường. Nhiều dự án đấu thầu, khởi công một thời gian nhưng bàn giao mặt bằng chưa hoàn thành. Đồng chí cho biết, UBND TP Thủ Đức đã đề xuất những cơ chế về giải phóng mặt bằng rất đột phá và được lãnh đạo Sở thống nhất.

Với 11 vấn đề quan trọng liên quan đến TP Thủ Đức mà Chủ tịch UBND TPHCM đã có kết luận, TP Thủ Đức đề nghị UBND TPHCM và các sở ngành quan tâm theo tiến độ đã kết luận, để giúp TP Thủ Đức hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Một vấn đề phát sinh thêm, đồng chí Hoàng Tùng kiến nghị TPHCM cho phép UBND TP Thủ Đức với sự năng động của mình có thể tiếp xúc, làm việc với các cơ quan, tổ chức ngoại giao (chủ yếu là chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế) và định kỳ báo cáo Sở Ngoại vụ, UBND TPHCM thay vì phải xin phép trước như quy định hiện nay sẽ làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả.

Đòi hỏi TP Thủ Đức phải khác với quận huyện

Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, TP Thủ Đức là TP mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng với diện tích tự nhiên hơn 21.000 ha và quy mô dân số hơn 1 triệu người. Dù về mặt hành chính, TP Thủ Đức tương đương cấp quận, huyện nhưng trên thực tế, quy mô của TP Thủ Đức còn lớn hơn TP Đà Nẵng. Vì thế, đòi hỏi về mặt phát triển với TP Thủ Đức phải khác với quận, huyện.

Nhận xét về mục tiêu thu ngân sách đạt hơn 8.300 tỷ đồng của TP Thủ Đức theo chỉ tiêu đề ra, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP Thủ Đức cần đặt mục tiêu cao hơn, nỗ lực vượt qua mốc 10.000 tỷ đồng. Theo đồng chí, xét về mặt quy mô và tiềm năng của TP Thủ Đức, thậm chí, trong tương lai, ít nhất TP Thủ Đức cần phấn đấu vượt qua quận 1 (quận 1 thu ngân sách đạt 19.000 tỷ đồng/năm).

Đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự quan tâm đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP Thủ Đức. Theo đồng chí, nếu giải ngân chậm, ngoài nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan chính là năng lực quản lý kém.

Đồng chí gợi mở, TP Thủ Đức phải xác định mô hình kinh tế ở TP Thủ Đức là gì? Có phải là dịch vụ - công nghiệp hay không, hay là công nghiệp – dịch vụ? Tổng số DN trên địa bàn TP Thủ Đức là bao nhiêu và những DN đó tập trung ở những lĩnh vực nào? Từ đó mới xác định được mô hình kinh tế là gì và tiềm năng là gì? TP Thủ Đức cần phân tích cụ thể, DN ở trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, DN ở trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế chia sẻ là bao nhiêu?

Đối với các dự án, TP Thủ Đức phải rà lại và quyết liệt dự án nào xong trong năm 2021, dự án nào chưa xong thì làm được bao nhiêu %?

Liên quan đến việc quy hoạch Thủ Đức, đồng chí cho biết, khi thành lập TP Thủ Đức, chúng ta còn “nợ” quy hoạch TP Thủ Đức, nên cần phải cố gắng hoàn thành.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường cho biết, việc đầu tư xây dựng trạm BTS rất khó khăn, dẫn đến triển khai 5G cũng hết sức khó khăn. Sở TT-TT TPHCM sẽ cùng TP Thủ Đức để thực hiện. Hiện nay, DN số ở TP Thủ Đức còn ít. TP Thủ Đức cần nhanh chóng bố trí đất sạch cho Công viên phần mềm Quang Trung 2, trước mắt là 10ha để góp phần thúc đẩy DN số tăng trưởng.

Trả lời về kiến nghị thành lập 4 trung tâm (Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực; Trung tâm khoa học – công nghệ TP Thủ Đức; Trung tâm Phát triển Quỹ đất; Trung tâm Công tác xã hội TP Thủ Đức), Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho rằng TP Thủ Đức cần đánh giá thật kỹ nhu cầu thực sự về việc thành lập 4 trung tâm này. Đồng thời xem xét việc TPHCM đã có các trung tâm tương tự thì có thể kết hợp với các trung tâm đó để đáp ứng yêu cầu của TP Thủ Đức hay không. Về phía Sở Nội vụ, thống nhất thành lập Trung tâm khoa học – công nghệ, còn các trung tâm khác, đề nghị TP Thủ Đức suy nghĩ thêm.

Hơn hai tháng nhận 9.800 hồ sơ

Đồng chí Hoàng Tùng cho biết, sau khi thành lập, TP Thủ Đức có khoảng 700 cán bộ công chức, có 168 đơn vị sự nghiệp. Trong đó được giao biên chế hợp đồng khối sự nghiệp năm 2021 là 8.200 biên chế - con số cộng cơ học của 3 quận. Trong khi số hồ sơ hành chính giải quyết trong năm 2020 là 152.900 hồ sơ. Từ 25-1 đến 1-3, TP Thủ Đức nhận 9.800 hồ sơ, trong đó hồ sơ đất đai là chủ yếu, ví dụ cấp phép xây dựng năm 2020 là 11.000 hồ sơ. Những con số cho thấy sức ép lớn về mặt số lượng công việc giải quyết hàng ngày.

Đồng chí cho biết hiện TP Thủ Đức đang nghiên cứu tìm cách phân cấp ủy quyền cho phù hợp. Chẳng hạn, Chủ tịch các phường có thể tham gia cấp phép xây dựng ở quy mô phù hợp để hỗ trợ cho UBND TP Thủ Đức.

Ủy quyền tối đa để công việc “chạy” nhanh hơn

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, tính đến nay, TP Thủ Đức hoạt động chỉ mới hơn 2 tháng (từ ngày 23-1), nhưng đã nỗ lực giải quyết khối lượng công việc khổng lồ. Về sắp xếp bộ máy nhân sự, đồng chí yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022, việc sắp xếp cố gắng phải xong và tuyệt đối không được ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân. Đồng thời, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức và giải quyết kịp thời các nguyện vọng.

Việc cần làm ngay của TP Thủ Đức là chuẩn bị thành lập Phòng Khoa học – Công nghệ; lập tổ công tác về chuyển đổi số trên địa bàn TP Thủ Đức. Đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, hiện nay công việc của 3 quận hợp lại có khối lượng khổng lồ nhưng bộ máy hành chính của TP Thủ Đức vẫn tương đương cấp huyện với số lượng 3 Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức với mức lương như cũ. Vì thế, TP Thủ Đức phải chủ động và khẩn trương đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong khi chờ đợi cơ chế đặc thù, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Nội vụ và Sở Tư pháp cùng UBND TP Thủ Đức hệ thống hóa lại tất cả các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM có thể ủy quyền cho TP Thủ Đức ở mức tối đa.

 Nỗ lực này của TPHCM nhằm giúp TP Thủ Đức xử lý các vấn đề nhanh nhạy hơn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Cùng với mục đích để TP Thủ Đức phát triển nhanh hơn, đồng chí Nguyễn Thành Phong đồng ý để lại khoản thu từ bán đấu giá tài sản, trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp do TP Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức phải có ngay Nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP Thủ Đức từ nay đến năm 2025, làm cơ sở cho UBND TP Thủ Đức lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Trả lời cho câu hỏi mô hình tăng trưởng TP Thủ Đức là gì, đồng chí gợi mở, đó là dịch vụ - công nghiệp. Trong đó, công nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ cho chức năng của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Đồng chí kỳ vọng, Khu Công nghệ cao với Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo cùng Công viên phần mềm Quang Trung 2, sẽ trở thành một “thung lũng Silicon” của Việt Nam!

Lưu ý Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM là không gian sáng tạo nằm trên địa giới hành chính là TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu TP Thủ Đức cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Cùng với đó, tạo động lực cho nhà khoa học nghiên cứu và thương mại hóa công trình nghiên cứu thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống. Có hóa thân vào cuộc sống, khoa học - công nghệ mới tạo động lực cho phát triển.

Liên quan đến quy hoạch TP Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Thành Phong gọi đây là món “nợ” khi thành lập TP Thủ Đức và yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành trong quý 3-2021. Đồng chí cũng yêu cầu TP Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết các tồn đọng hiện nay, trước hết là các vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TPHCM…

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý TP Thủ Đức mạnh dạn áp dụng các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính. “Mô hình nào có lợi cho người dân thì cứ làm”, đồng chí chỉ đạo. Theo đồng chí, cải cách hành chính, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân cũng là câu trả lời sinh động nhất cho hiệu quả của việc thành lập TP Thủ Đức. Và, TP Thủ Đức với các sản phẩm cụ thể mang lại lợi ích cho người dân cũng là hiện thực hóa sứ mệnh của TP Thủ Đức – trở thành cực tăng trưởng của TPHCM.

Thu ngân sách 10.000 tỷ: Làm được, nhưng cần cơ chế

Trước đó, phát biểu trước đoàn làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức thay mặt lãnh đạo TP Thủ Đức hứa sẽ lãnh đạo chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 cũng như những năm tiếp theo. Đồng chí cho biết, trong các chương trình, TP Thủ Đức hết sức quan tâm việc tham gia lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, những chương trình chăm lo người dân cũng phải được thực thi quyết liệt.

TPHCM ủy quyền cho TP Thủ Đức ở mức tối đa ảnh 3 Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nói về các đề xuất, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho rằng đây là những điều chỉnh bước đầu giúp cho chính quyền hoạt động hiệu quả. Bởi nếu không có cơ chế phù hợp - chưa nói đến cơ chế đặc thù - thì công việc sẽ ách tắc. Về mức thu 10.000 tỷ đồng, đồng chí cho rằng TP Thủ Đức có khả năng đạt được, nhưng cần cơ chế, điều kiện để làm được điều này.

Về mô hình phát triển kinh tế, TP Thủ Đức xác định dịch vụ - thương mại - công nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp đô thị. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Thủ Đức phải theo hướng chú trọng chất lượng, giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế lớn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, năng suất lao động cao. Các dịch vụ chất lượng cao áo dư địa lớn, như du lịch, logistics…

Ngoài nguồn vốn nhà nước đóng vai trò là vốn mồi, tập trung cho hạ tầng giao thông và công tác giải phóng mặt bằng thì hiện vốn đầu tư xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức rất lớn. Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức khẳng định quan điểm hết sức cầu thị, mời lãnh đạo các sở, ban, ngành của TPHCM làm việc với TP Thủ Đức để phối hợp giải quyết công việc.

UBND TP Thủ Đức đề xuất UBND TPHCM phân cấp cho địa phương được chủ động sử dụng 100% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản dôi dư sau khi sắp xếp do TP Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời phân cấp cho UBND TP Thủ Đức được chủ động sử dụng 50% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản do TPHCM quản lý nằm trên địa bàn TP Thủ Đức; giao thẩm quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án từ nguồn thu này. UBND TP Thủ Đức dự kiến dùng nguồn thu này dùng cho phát triển hạ tầng và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo nguồn đất sạch để kêu gọi đầu tư dự án mới.

Qua rà soát, TP Thủ Đức xác định có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng, phúc lợi xã hội do địa phương quản lý với tổng diện tích 21.520m². Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đầu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã đồng ý để lại khoản thu từ bán đấu giá tài sản, trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp do TP Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng.

Tin cùng chuyên mục