TPHCM: Tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề “thời gian để trưởng thành” trong đề thi môn Ngữ văn

Kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn, hầu hết thí sinh đều rời khỏi phòng thi với tâm trạng khá phấn khởi. 

Là thí sinh đầu tiên rời khỏi điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), Huỳnh Ngọc Phương Mai, học sinh lớp 9/5, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết, câu hỏi đọc hiểu trong đề thi này khá dễ cho thí sinh kiếm điểm.

Ở câu 2 nghị luận xã hội, thí sinh này đã liên hệ dẫn chứng của tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải để làm phong phú hơn bài viết.

Đối với Nguyễn Duy Khang, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá bất ngờ. Câu hỏi nghị luận xã hội có chủ đề không dễ nhưng cũng không khó.

Duy Khang cho biết đã lấy dẫn chứng về cuộc đời của nhà khoa học Thomas Edison để làm sinh động hơn bài viết. Cụ thể, thời gian đầu kết quả học tập của ông không tốt nhưng qua quá trình phấn đấu và trưởng thành, nỗ lực đã giúp ông gặt hái nhiều thành công.

Riêng câu hỏi về nghị luận văn học, thí sinh này đánh giá bài thơ “Sang thu” của tác giả Hữu Thỉnh có chủ đề về thiên nhiên nên khá dễ phân tích. Đây cũng là một trong những tác phẩm các em được ôn tập kỹ trong chương trình nên không mất nhiều thời gian để suy nghĩ tìm ý.

TPHCM: Tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề “thời gian để trưởng thành” trong đề thi môn Ngữ văn ảnh 1 Thí sinh tươi cười sau khi kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn tại điểm thi THCS Trần Văn Ơn (quận 1). Ảnh: THU TÂM

Còn Trần Quỳnh Hương, học sinh Trường THCS Văn Lang (quận 1), câu hỏi nghị luận văn học yêu cầu phân tích một tác phẩm thơ trung đại tương đối dễ thở với các em. Về câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh không mất nhiều thời gian để tìm ý.

Quỳnh Hương cho biết từ vấn đề về thời gian, em đã khái quát thành kinh nghiệm sống là không nên bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống. Mỗi giây phút chúng ta đang sống đều có thể tận dụng xây dựng tương lai tốt đẹp.

Tương tự, Thu Anh, học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho rằng, trước khi bước vào môn thi, nhiều bạn nghĩ câu hỏi nghị luận xã hội sẽ cho xung quanh chủ đề phòng chống dịch bệnh. Song, cá nhân em thích những vấn đề mang hơi thở cuộc sống và gần gũi với tuổi trẻ hơn.

“Vấn đề thời gian tuy hơi lạ nhưng không quá khó để suy nghĩ và tìm dẫn chứng. Em đã liên hệ câu nói “Không quan trọng là bạn sống bao lâu nhưng quan trọng là bạn sống thế nào” để tăng tính thuyết phục cho bài viết”, Thu Anh bày tỏ.

TPHCM: Tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề “thời gian để trưởng thành” trong đề thi môn Ngữ văn ảnh 2 Các em bàn luận sôi nổi về đề thi năm nay. Ảnh: THU TÂM

Đặc biệt, ở câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh Bùi Gia Bảo, lớp 9A2, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) đã nhanh nhạy đưa ra dẫn chứng về hành trình trưởng thành của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam.

“Khi các cầu thủ còn trẻ tuổi có thể thua đậm, thua đau trước những đối thủ ngang tầm nhưng qua thời gian tập luyện, trưởng thành, đội tuyển đã đạt thành tích cao tại giải bóng đá U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc)”, Gia Bảo chia sẻ.

Đánh giá chung về đề thi môn Ngữ Văn, thí sinh này cho biết nội dung kiến thức tương đối vừa tầm với học sinh, bạn nào có học lực khá giỏi có thể dễ lấy điểm 8.

Vấn đề thời gian lúc nào cũng “nóng”, giúp thí sinh dễ liên hệ dẫn chứng thực tế. Thí sinh này nhận định, thời gian không phải yếu tố chủ chốt để thành công và trưởng thành mà thời gian chỉ là những cột mốc trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Trong quá trình đó, sẽ có thành công lẫn thất bại, từ đó rút ra bài học giúp mỗi người trưởng thành.

Riêng “Sang thu” là tác phẩm các em được học trong học kỳ 2 sau cả học kỳ 1 học theo hình thức trực tuyến. Vì vậy, nhiều thí sinh đánh giá việc Sở GD-ĐT TPHCM chọn một tác phẩm thơ trong học kỳ 2 là một sự động viên, giúp các em dễ làm bài vì tác phẩm vừa học trong chương trình, không mang tính lắt léo về nội dung và thủ pháp nghệ thuật.

TPHCM: Tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề “thời gian để trưởng thành” trong đề thi môn Ngữ văn ảnh 3 Một trong những thí sinh rời khỏi phòng thi sớm nhất tại điểm thi THCS Trần Văn Ơn (quận 1). Ảnh: THU TÂM

Ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, sau khi kết thúc giờ thi, dư âm của đề thi xung quanh vấn đề thời gian vẫn khiến thí sinh bàn luận sôi nổi. Nguyễn Hải Gia Anh, học sinh Trường THCS Văn Lang (quận 1) chia sẻ, khi còn nhỏ ai cũng muốn được lớn lên, trưởng thành để làm những điều lớn lao. Nhưng khi lớn lên, thỉnh thoảng chúng ta lại muốn quay về tuổi thơ. Điều đó tưởng chừng là nghịch lý song đặt ra câu hỏi cần làm gì để trưởng thành.

“Theo em, trưởng thành không chỉ cần có thời gian mà cần cả sự tự lập, quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân, dù thành công hay thất bại thì thời gian nỗ lực vẫn mang ý nghĩa riêng của nó”, thí sinh này bày tỏ.

Nhận định về đề thi môn Ngữ văn năm nay, ThS. Huỳnh Thị Kim Ngân, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đánh giá, đề thi khá phù hợp với bối cảnh xã hội, trong đó đề cập đến vấn đề khá hay, gợi được nhiều suy nghĩ cho thí sinh là vấn đề thời gian.

Nhìn chung, mức độ phân hóa của đề thi khá tốt, yêu cầu khả năng tư duy cao của thí sinh vì câu hỏi nghị luận xã hội hướng thí sinh đến những hành động có ý nghĩa trong tương lai. Thí sinh có thể lấy dẫn chứng từ chính bản thân mình hoặc những người xung quanh trong xã hội.

Riêng câu hỏi nghị luận văn học với tác phẩm “Sang thu” là bài thơ trong học kỳ 2 năm học 2021-2022, học sinh đã trở lại trường học trực tiếp nên tạo được sự công bằng, giúp các em có điều kiện tiếp cận tác phẩm tốt hơn.

Mặc dù đối với nhiều thí sinh, đây là tác phẩm dễ phân tích, song theo cô Kim Ngân, đây cũng là câu hỏi có mức độ phân hóa cao, đòi hỏi năng lực ngôn ngữ và tư duy của thí sinh. Cụ thể, tác phẩm mang theo nhiều giá trị nghệ thuật sâu sắc, dù có dung lượng thơ khá ngắn nhưng chuyển tải nhiều từ láy đặc sắc. Nếu thí sinh biết khai thác sâu sẽ thể hiện được năng lực ngôn ngữ và tư duy của các em.

Chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 90 phút.

Tin cùng chuyên mục