TPHCM tôn vinh 130 cán bộ quản lý và giáo viên chủ nhiệm giỏi

Năm nay, chương trình tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi tiêu biểu, những tấm gương hi sinh tận tụy, sống có trách nhiệm, góp phần nêu cao đạo đức truyền thống nhà giáo. 
Sáng 13-11, tại hội trường Sở GD-ĐT TPHCM đã diễn ra chương trình họp mặt giao lưu với chủ đề "Trái tim người thầy" năm 2019. Đây là một trong những hoạt động do Công đoàn ngành giáo dục TP tổ chức hướng đến chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 _ 20-11-2019). Năm nay, chương trình tôn vinh 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi tiêu biểu, những tấm gương hi sinh tận tụy, sống có trách nhiệm, góp phần nêu cao đạo đức truyền thống nhà giáo. Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, các thầy, cô vẫn luôn ý thức nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giữ vững và nâng cao uy tín nhà giáo trong xã hội. 
Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Công đoàn ngành giáo dục TP, phòng GD-ĐT các quận, huyện và các đơn vị trực thuộc đã triển khai thực hiện việc bình chọn xét duyệt nghiêm túc các tấm gương tiêu biểu "Trái tim người thầy" từ cấp cơ sở. Trong số 130 cán bộ, nhà giáo tiêu biểu, Sở GD-ĐT TP đã chọn ra 4 tấm gương nhà giáo nổi bật nhất tham gia buổi giao lưu.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, thầy Thạch Trung Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8) trải lòng về cái duyên tình cờ đưa thầy đến với nghề giáo. Đó là những năm tháng học cấp 3, cậu học sinh Thạch Trung Tấn có cơ hội dạy kèm các em nhỏ trong xóm học bài. Từ những bài dạy kèm đó, tình yêu đối với nghề sư phạm đã nhen nhóm trong lòng cậu trai trẻ. Thầy quan niệm, cái gì đã đam mê, yêu thích thì mình sẽ muốn trải nghiệm, khám phá. Những bỡ ngỡ ban đầu qua nhanh, sự ngại ngùng, hụt hẫng khi "cả Khoa giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sài Gòn toàn nữ, mình trở thành hàng hiếm" dần thay thế bằng sự đầu tư nghiêm túc với nghề. 
Đối với thầy giáo trẻ, giáo viên chủ nhiệm chính là sợi dây kết nối giữa giáo dục gia đình và nhà trường. Thầy tâm sự, để dạy các em học sinh, cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội, chiếc kiềng 3 chân mà chỉ cần một chân lỏng lẻo sẽ ảnh hưởng rất lớn kết quả giáo dục các em.
Còn đối với cô Phạm Thị Thanh Nhung, giáo viên Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn), nhiệm vụ của một người giáo viên ngoài việc truyền dạy về tri thức cho học sinh còn phải uốn nắn các em về đạo đức, lối sống. Cô Nhung nhận xét, hầu hết học sinh bây giờ chưa xác định được mục đích và phương pháp học tập phù hợp. Vì vậy, trách nhiệm của giáo viên là giúp học sinh tìm được niềm vui trong học tập, không chỉ được bồi dưỡng về kiến thức mà còn trở thành người có đạo đức, lối sống và nhân cách tốt đẹp. 
 Ở góc độ khác, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, giáo viên Trường Mầm non Long Trường (quận 9), hình ảnh người thầy có vị trí và vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi học sinh. Trong đó, đối với một người thầy, cái "tâm" quan trọng hơn cái "tài", chỉ cần có tấm lòng và sự tâm huyết thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
TPHCM tôn vinh 130 cán bộ quản lý và giáo viên chủ nhiệm giỏi ảnh 1 Giao lưu với 4 giáo viên giỏi tiêu biểu của TP
Riêng với cô Phạm Thị Phương Linh, giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu, một người giáo viên chủ nhiệm giỏi cần đòi hỏi các yếu tố tỉ mỉ, tận tình, yêu nghề, nhiệt huyết, khéo léo và tế nhị. Những phẩm chất này kết hợp cùng ý chí và nghị lực vượt khó của bản thân mới giúp các thầy, cô được trau dồi và rèn luyện bản thân, trở thành những giáo viên tốt. 
Buổi giao lưu khép lại trong không khí chân tình và đầy sự sẻ chia. Đã có những giọt nước mắt rơi từ các đồng nghiệp khi lắng nghe các thầy, cô chia sẻ về những hoàn cảnh học trò khó khăn, những nghị lực vươn lên của cả thầy lẫn trò, góp thêm một viên gạch nhỏ giúp ngành giáo dục TP gặt hái nhiều thành công. 

Tin cùng chuyên mục