TPHCM: Tổ chức dạy học môn Toán theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

Trước đây, môn Toán được giảng dạy theo hướng tiếp cận từ những con số, song với chương trình phổ thông mới, học sinh được tạo cơ hội tìm hiểu kiến thức thông qua những tình huống thực tiễn đặt ra trong cuộc sống, qua đó nâng cao khả năng vận dụng thực hành. 
Giáo viên giới thiệu đơn vị đo độ dài mới là "mét" cho học sinh
Giáo viên giới thiệu đơn vị đo độ dài mới là "mét" cho học sinh

Sáng 24-2, tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), hơn 200 cán bộ quản lý, chuyên viên phụ trách bậc học của Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tham gia chuyên đề "Dạy học môn Toán lớp 2 theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh" do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Chuyên đề còn có sự tham gia trực tuyến của giáo viên tại 240 điểm cầu ở các trường tiểu học, qua đó tạo cơ hội cho giáo viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 sau hơn một học kỳ dạy học theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.  

Mở đầu chuyên đề, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, giáo viên lớp 2 giảng dạy CT GDPT 2018 mới được bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, chưa tham gia bồi dưỡng trực tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Do đó, chuyên đề dạy học được tổ chức lần này nhằm tạo cơ hội cho giáo viên bồi dưỡng chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy chương trình, sách giáo khoa lớp 2 năm học 2021-2022.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Trường học vừa thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, trong đó có việc triển khai CT GDPT 2018 vừa tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.  
Trước đây, môn Toán được giảng dạy theo hướng tiếp cận từ những con số, song với chương trình phổ thông mới, học sinh được tạo cơ hội tìm hiểu kiến thức thông qua những tình huống thực tiễn đặt ra trong cuộc sống, qua đó nâng cao khả năng vận dụng thực hành.  
TPHCM: Tổ chức dạy học môn Toán theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh ảnh 1 Học sinh tham gia hoạt động "Khởi động" nhằm ôn tập kiến thức đã học trong chương trình

Tại buổi chia sẻ kinh nghiệm, cô giáo Hoàng Thụy Minh Thư, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1, Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3) đã chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Toán với bài học “mét”. 

Mở đầu tiết học, học sinh được khởi động với trò chơi “Đố bạn”. Một học sinh đóng vai trò là người dẫn dắt, chỉ định các thành viên còn lại trong lớp trả lời nhanh các câu hỏi liên quan hai đơn vị đo độ dài đã học trong các tuần trước là dm (đề xi mét) và cm (xăng ti mét).

Với câu hỏi “Chiều dài cục gôm có thể đo bằng đơn vị cm, vậy chiều dài lớp học có đo bằng cm được không?”, học sinh đã đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo như đo bằng sải tay, bước chân… Từ những gợi mở đó, cô Minh Thư đã giới thiệu cho cả lớp đơn vị đo độ dài mới là “mét”.

Lần lượt từng học sinh được chạm tay vào hai đầu thước đo có độ dài 1 mét để cảm nhận về độ lớn của đơn vị đo và thảo luận các câu hỏi của giáo viên như “Mấy gang tay của em thì được 1 mét?”, “So sánh chiều cao của em với độ dài 1 mét”...

Có mặt tại buổi chuyên đề, nhà giáo Khúc Thành Chính, Chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 2, bộ sách “Chân trời sáng tạo” cho biết, sách giáo khoa và sách hướng dẫn dạy học chỉ là hai trong số những gợi ý cho giáo viên liên hệ kiến thức với các vấn đề đặt ra trong thực tế cuộc sống, từ đó giúp học sinh trả lời câu hỏi “Học Toán để làm gì?”.

TPHCM: Tổ chức dạy học môn Toán theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh ảnh 2 Học sinh được tạo cơ hội thảo luận và làm việc nhóm để tìm hiểu kiến thức mới

Theo cô Đậu Thị Huế, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), các thầy, cô có thể chủ động liên hệ kiến thức đang học với tình huống xảy ra trong thực tế như đo trọng lượng giúp các em biết cân nặng của hành lý ở sân bay, đo độ dài giúp biết chiều cao khi mua vé vào cổng khu vui chơi…            

Ngoài ra, theo thầy Cao Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), đổi mới phương pháp dạy học cần gắn liền với đổi mới về đánh giá quá trình dạy học cũng như đổi mới việc kiểm tra, đánh giá thành tích học tập của học sinh.
Kiểm tra và đánh giá giúp giáo viên phát hiện được thực trạng và kết quả học tập của học sinh, xác định nguyên nhân dẫn đến thực trạng và kết quả dạy học. Đây là cơ sở thực tế để giáo viên điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động học tập của học sinh cũng như hướng dẫn các em tự điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ dạy học được đề ra trong chương trình.
Kiểm tra, đánh giá còn có tác dụng giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh, nhất là đối với học sinh tiểu học vì tiểu học là cấp học nền tảng. Học sinh tiểu học đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển mọi mặt. Nếu ngay từ những năm đầu đi học phổ thông, giáo viên cùng cha mẹ học sinh hiểu được những đặc điểm riêng của học sinh, điểm mạnh và điểm còn hạn chế của các em thì hoạt động phối hợp giữa nhà trường và gia đình sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn, từng bước hình thành khả năng tự giáo dục của học sinh.

Hiện nay, học sinh các khối 1, 2, 3 có bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học đối với các môn học bắt buộc gồm Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, riêng khối 4 và 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt và Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

Đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 3 mức gồm Nhận biết (nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập), Kết nối (sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự) và Vận dụng (vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống).

Tin cùng chuyên mục