TPHCM tích cực thử nghiệm các sáng kiến cải cách công tác tư pháp

Sáng 24-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp tại hội nghị, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 151 nhiệm vụ, đã hoàn thành 125 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 26 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Công tác trao đổi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo thực hiện thống nhất, kịp thời, bảo đảm sự thông suốt, gắn kết trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế các cấp.

Bộ đã tiếp nhận, trả lời gần 800 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội nghị công tác pháp chế với các bộ, ngành; tổ chức làm việc với các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền nhiều địa phương.

Về công tác tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) để thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp ở cả Trung ương và địa phương. Ở địa phương, các Sở Tư pháp, Cục THADS chú trọng phối hợp với các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với những nhiệm vụ, vụ việc phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Đáng lưu ý, công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp (ở cấp tỉnh) và trong lĩnh vực tư pháp (ở cấp xã) đạt mức cao (đạt 83,08% ở cấp tỉnh và 84,04% ở cấp xã).

Một số địa phương tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các sáng kiến cải cách liên quan đến công tác tư pháp. Trong đó, UBND TPHCM và UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp liên thông các thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương lồng ghép việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, cắt giảm các hội nghị, cuộc họp không cần thiết; tăng cường tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tập huấn trực tuyến để thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí và tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức.

Tại Bộ Tư pháp, đã rà soát tổng thể và ban hành kế hoạch chung, thống nhất tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2019 (Quyết định số 718/QĐ-BTP ngày 29/3/2019); ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Bộ Tư pháp (Quyết định số 653/QĐ-BTP ngày 22/3/2019).

Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng công nhận sự quyết liệt, bám sát các nhiệm vụ để thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc còn chưa đều. Trong một số trường hợp, nội dung hướng dẫn, trả lời các kiến nghị của các đơn vị thuộc bộ còn chậm, chung chung, chưa giúp tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn. Mặc dù đã có chuyển biến tốt, nhưng vẫn còn tình trạng tổ chức các hoạt động tập trung nhiều ở một số địa phương hoặc dồn vào những thời điểm nhất định.

Không thể “bắt” giấy khai sinh chạy theo giấy tờ khác

Theo thông tin tại Hội nghị toàn quốc ngành Tư pháp, trong 5 năm qua (2015 - 2019), Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã tổ chức 23 Đoàn thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tại 131 cơ quan/đơn vị cấp tỉnh/huyện/xã thuộc 23 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; qua đó phát hiện 9.018 hồ sơ sơ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có sai sót/vi phạm (trong đó lĩnh vực chứng thực có số hồ sơ sai sót nhiều nhất, hơn 7.200 hồ sơ).

Từ kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã chỉ rõ nhiều tồn tại, sai phạm tại các địa phương như việc ghi chép, quản lý, sử dụng, lưu trữ Sổ hộ tịch, Sổ chứng thực còn rất nhiều sai sót, trái quy định. Thậm chí có những đơn vị còn lợi dụng việc đăng ký, ghi chép Sổ chứng thực để nhập nhèm trong thu phí chứng thực. Không chỉ có vậy, không ít trường hợp thực hiện chứng thực một cách tùy tiện, nên đã có những sai phạm trong việc chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch…

Vẫn theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nhiều đơn vị được thanh tra không nhận thức đúng vai trò đặc biệt quan trọng của Sổ hộ tịch, là cơ sở để xác định thông tin hộ tịch gốc của cá nhân, do đó các đơn vị được thanh tra đều có sai phạm ở các mức độ khác nhau trong đăng ký hộ tịch.

Cụ thể, các việc cải chính hộ tịch đều không bảo đảm cơ sở pháp lý, không kiểm tra, xác minh để bảo đảm nguyên tắc cải chính hộ tịch khi có sự sai sót. Phần lớn các trường hợp cải chính thông tin hộ tịch trong Giấy khai sinh là nhằm phù hợp với thông tin trong hộ khẩu, chứng minh nhân dân - không phù hợp với nguyên tắc “Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh”.

Nhiều địa phương để xảy ra sai phạm, cho phép cải chính hộ tịch nhằm hợp lý hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân, cải chính hộ tịch trái thẩm quyền. Về giải quyết yêu cầu thay đổi hộ tịch, nhiều trường hợp thay đổi hộ tịch không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự, cho thay đổi họ, tên một cách tùy tiện; nhầm lẫn giữa thay đổi và cải chính hộ tịch, chỉnh sửa ngày tháng năm sinh không có cơ sở.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra cũng đã chỉ rõ nhiều trường hợp đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài khi giấy tờ trong hồ sơ chưa hợp lệ theo quy định pháp luật (giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp chưa được hợp pháp hóa lãnh sự); sai phạm về thủ tục đăng ký kết hôn (đăng ký kết hôn khi 1 bên không có mặt tại Việt Nam ở thời điểm đăng ký)…

Đặc biệt, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực lưu ý, tại một số địa phương nổi lên tình trạng yêu cầu cải chính thông tin trong Giấy khai sinh để phù hợp với hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Đây là yêu cầu trái với quy định của Luật Hộ tịch.

Cục đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đúng pháp luật. Theo đó, phải coi Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc, trường hợp hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung Giấy khai sinh thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp phát giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh; không thể “bắt” giấy khai sinh chạy theo giấy tờ khác”.

Tin cùng chuyên mục