TPHCM thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 theo hệ thống 5 tầng

Ngày 22-7, Sở Y tế TPHCM ban hành kế hoạch thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 trong tình hình dịch bệnh bùng phát lan rộng trên địa bàn TP. Theo đó, trước tình hình số trường hợp F0 tiếp tục tăng cao tại TPHCM, tương ứng số ca nặng, nguy kịch và tử vong tiếp tục tăng, Sở Y tế điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 theo hệ thống 5 tầng điểu trị cụ thể.
Khu hồi sức Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu hồi sức Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tầng 1: Là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn quận huyện và TP Thủ Đức. Các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận huyện.

Các cơ sở này có nhiệm vụ sàng lọc người bệnh Covid-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định; chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp Covid-19 có triệu chứng nhẹ; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 1 sẽ thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 2: Bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị Covid-19, các trường hợp F0 mới được phát hiện trong cộng đồng, được sàng lọc và chuyển đến từ các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 tại địa bàn quận huyện và TP Thủ Đức. BV có nhiệm vụ điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 2 sẽ thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 3: BV điều trị Covid-19 các trường hợp có triệu chứng là những BV đa khoa hạng 2 được chuyển đổi công năng trở thành BV điều trị Covid-19 chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng.

BV có nhiệm vụ điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 3 sẽ thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0.

Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 4 ,TPHCM đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tầng 4: BV điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa là những BV đa khoa, chuyên khoa hạng 1 (và một vài BV hạng 2 nhưng phát triển chuyên khoa khá mạnh) được chuyển đổi công năng trở thành BV điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa.

BV có bệnh lý đi kèm nặng có nhiệm vụ điều trị các trường hợp mắc Covid-19 nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng. Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 5: BV hồi sức Covid-19 là những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh Covid-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đổ của Bộ Y tế. Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0.

TPHCM thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 theo hệ thống 5 tầng ảnh 2 Lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện dã chiến số 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trường hợp TPHCM ghi nhận 50.000 – 80.000 trường hợp F0

Thành phố sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có để chuyển đối công năng thành các cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19 cụ thể,

Tầng 1: Sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương như: khu ký túc xá của trường học; khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng; khách sạn, nhà nghỉ; trường học... để hình thành cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 với tổng quy mô tối thiếu tương ứng 1.250 giường đến 2.000 giường (tương ứng kịch bản có 50.000 và 80.000 trường hợp F0)

Tầng 2: Các BV dã chiến thu dung hiện đã có 13 BV với tổng số giường khoảng 32.000 giường và tiếp tục sẽ tăng trong thời gian tới. Đây là số giường thực kê tối đa nhằm kịp thời thu dung các trường hợp F0

Tầng 3: Các BV điều trị Covid-19 ở mức cơ bản (chủ yếu được chuyển đổi công năng từ các BV quận, huyện) hiện có 8 BV với tổng số giường khoảng 3.315 giường. Để đạt được yêu cầu có 10.000 giường và 16.000 giường (tương ứng kịch bản có 50.000 và 80.000 trường hợp F0), các BV tuyến quận huyện cần xây dựng kế hoạch sẵn sàng chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ sang điều trị Covid-19. Trưng dụng các bệnh viện tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch.

Tầng 4: Các BV điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa (là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 và một vài bệnh viện hạng 2 nhưng phát triển chuyên khoa khá mạnh) hiện có 10 bệnh viện với tổng số giường khoảng 3900 giường.

Để đạt được yêu cầu có 4.000 giường và 6.400 giường (tương ứng kịch bản có 50.000 và 80.000 trường hợp F0), các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa mạnh cần xây dựng kế hoạch sẵn sàng chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ sang điều trị Covid-19. Huy động hoặc trưng dụng các bệnh viện tư nhân có cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu hồi sức cấp cứu cho người bệnh nặng tham gia vào tầng này. Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0

Tầng 5: Các bệnh viện điều trị Covid-19 được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch. Hiện có 4 bệnh viện với tổng số giường khoảng 2.000 giường. Để đạt được yêu cầu có 4.000 giường và 5.000 giường (tương ứng kịch bản có 50.000 và 80.000 trường hợp F0), các bệnh viện cần xây dựng kế hoạch sẵn sàng tăng quy mô số giường hồi sức cấp cứu của đơn vị. Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0.

Số lượng bác sĩ cần có tại các tầng điều trị:

Tầng 1: đảm bảo tối thiểu 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng chăm sóc và theo dõi cho 50 - 100 trường hợp F0.

Tầng 2: đảm bảo tối thiểu 1 bác sĩ điều trị và 2 điều dưỡng chăm sóc cho 25 trường hợp F0.

Tầng 3: đảm bảo tối thiểu 1 bác sĩ điều trị và 2 điều dưỡng chăm sóc cho 20 trường hợp F0. Thực tế hầu hết các bệnh viện này sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, bao gồm tổng số bác sĩ là 606 và điều dưỡng là 1008, tuy nhiên một số bệnh viện cần bổ sung thêm các bác sĩ chuyên khoa để điều trị được các bệnh lý nền kèm theo (nột tiết, tim mạch,...)

Tầng 4: đảm bảo tối thiểu 1 bác sĩ điều trị và 2 điều dưỡng chăm sóc cho 10 trường hợp F0. Thực tế hiện nay, thành phố có 10 bệnh viện chuyên khoa tiếp nhận người bệnh Covid-19 nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm, tổng số các nhân viên y tế của 10 bệnh viện này là 578 bác sĩ chuyên khoa và 1.202 điều dưỡng. Do đó, Sở Y tế có thể điều động nguồn nhân lực chuyên khoa từ các bệnh viện này đến các bệnh viện tầng 3 khi cần.

Tầng 5: đảm bảo tối thiểu 1 bác sĩ điều trị và 2 điều dưỡng chăm sóc cho 5 trường hợp F0. Thực tế hiện nay, thành phố có 4 bệnh viện được phân công tham gia vào tầng 5, với tổng quy mô số giường là 1.800 giường. Tuy nhiên khó khăn chung của các bệnh viện này là thiếu nguồn nhân lực bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, hồi sức theo số giường đã được phân công. Để giải quyết bài toán nhân lực này, cần tăng cường nguồn nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu từ các tỉnh, thành do Bộ Y tế điều động, ngoài ra cần đẩy mạnh tập huấn ngắn hạn chuyên đề về hồi sức cho trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch.

Tin cùng chuyên mục