TPHCM: Sôi nổi Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp TP năm học 2020 - 2021

Sáng 26-3, Sở GD-ĐT TPHCM đã khai mạc Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp TP năm học 2020-2021.

Năm nay, hội thi đã thu hút hơn 11.300 giáo viên đăng ký tham gia vòng thi cấp trường, chọn ra 2.152 giáo viên dự thi vòng thi cấp quận, huyện. Trải qua những phần thi tranh tài sôi nổi, 50 giáo viên xuất sắc nhất đã bước vào vòng thi chung kết cấp TP.

TPHCM: Sôi nổi Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp TP năm học 2020 - 2021 ảnh 1 Giáo viên dạy giỏi chụp ảnh kỷ niệm cùng Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn. Ảnh: THU TÂM

Nhân rộng những tấm gương điển hình

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP, Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp TP được tổ chức định kỳ 4 năm/lần nhằm tôn vinh những tài năng, phẩm chất tốt đẹp, khơi dậy niềm hứng khởi, tình yêu nghề, nâng cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của các giáo viên mầm non.

Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ ở bậc mầm non, qua đó nhân rộng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học này.

Đánh giá về hội thi, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hội thi là một trong những sân chơi nhằm phát triển phong trào “dạy tốt, học tốt” ở các trường học một cách cụ thể, thực tế.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP bày tỏ mong muốn tất cả giáo viên mầm non đến với trẻ bằng tấm lòng người mẹ, giữ vững lòng yêu nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn làm tròn trách nhiệm xã hội giao phó.

TPHCM: Sôi nổi Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp TP năm học 2020 - 2021 ảnh 2 Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trường Mầm non Tân Xuân (huyện Hóc Môn) tham gia phần thi thuyết trình tại vòng chung kết cấp TP. Ảnh: THU TÂM
Năm nay, danh sách 50 giáo viên bước vào vòng thi chung kết trải đều ở 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Dù làm việc ở nhiều môi trường công tác khác nhau, tuổi đời, tuổi nghề mỗi người một khác nhưng tất cả giáo viên đều gặp nhau ở tình yêu nghề, mến trẻ.
Công việc giáo viên mầm non đòi hỏi người giáo viên mỗi ngày "sáng đi chưa thấy mặt trời, chiều về mặt trời đã tắt", tính chất công việc vất vả nhưng hạnh phúc lớn nhất là mỗi ngày được nhìn thấy những bước phát triển hồn nhiên đầu đời của trẻ, được học sinh, phụ huynh tin yêu, gửi gắm nhiều hi vọng. Đó chính là động lực giúp các thầy, cô giáo vững tay chèo, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh.

Yêu trẻ bằng tấm lòng cha, mẹ

Tại hội thi, Thái Hồng Duy, thầy giáo trẻ vừa ra trường được 3 năm, hiện đang là giáo viên phụ trách Lớp Mầm 3, Trường Mầm non 19-5 Thành phố chia sẻ, anh đến với nghề giáo viên mầm non một cách tình cờ, quyết định đặt bút đăng ký nguyện vọng vào "phút 90" nhưng sau 3 năm công tác, công việc đã khiến anh yêu thương, gắn bó.

Chia sẻ với PV Báo SGGP, Hồng Duy cho biết, ở Trường Mầm non 19-5 Thành phố, anh là giáo viên nam duy nhất. Năm đầu tiên nhận công tác, thầy giáo trẻ vướng phải sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng của phụ huynh. Tuy nhiên bằng sự cố gắng, Hồng Duy đã chứng minh cho phụ huynh thấy tình thương của mình dành cho trẻ, tạo cho trẻ tâm lý mỗi ngày đến lớp bằng niềm vui và sự phấn khởi.

"Môi trường tiếp xúc với con trẻ là môi trường không có sự ganh đua, trái lại chỉ tràn ngập tiếng cười và những niềm vui con trẻ. Nếu như các bậc học khác, giáo viên dạy theo tiết thì ở bậc mầm non, thầy, cô có nguyên một ngày ở bên các con. Đối với tôi, tình cảm của các con và việc được mỗi ngày nhìn thấy các con trưởng thành chính là niềm vui vô giá".

Đối với cô Huỳnh Trương Anh Phụng, giáo viên lớp 19-24 tháng, Trường Mầm non 19-8 (huyện Hóc Môn), nhiều gia đình hiện nay có thói quen cho trẻ xem nhiều ti vi, điện thoại, máy tính bảng khiến nhu cầu thể hiện tình cảm của trẻ ngày càng ít đi, ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ và bày tỏ tình cảm của trẻ.

Trước thực tế đó, cô giáo trẻ đã trăn trở làm thế nào giúp trẻ có thói quen thể hiện tình cảm với những người xung quanh, qua đó giúp trẻ tự tin, mạnh dạn biểu lộ cảm xúc. Để thực hiện mục tiêu đó, giáo viên này đã xây dựng môi trường lớp học thân thiện, trong đó giáo viên là người chủ động bày tỏ tình cảm đối với trẻ (qua lời nói, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ…), khơi gợi sự gần gũi, đáp ứng nhu cầu được giao tiếp, biểu lộ cảm xúc của trẻ.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng phối hợp với phụ huynh xây dựng thói quen bày tỏ tình cảm của trẻ ở gia đình và nhà trường, rèn cho trẻ thói quen quan tâm những người xung quanh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử.

TPHCM: Sôi nổi Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp TP năm học 2020 - 2021 ảnh 3 Cô Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trường Mầm non Thủy Tiên 2 (huyện Bình Chánh) tham gia phần thi thuyết trình với đề tài "Chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi vào lớp 1". Ảnh: THU TÂM

Với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trường Mầm non Tân Xuân (huyện Hóc Môn), làm thế nào để trẻ phát triển tốt nhất về ngôn ngữ, khắc phục tình trạng nói ngọng, nói lắp, diễn đạt không rõ ý là vấn đề đang trăn trở.

Nhằm tạo môi trường cho trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, cô Thanh Tâm đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục như trò chuyện đầu giờ, tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp thông qua việc bày trí các góc học tập trong lớp, đồng thời phối hợp với phụ huynh khắc phục các lỗi về phát âm cho trẻ.

Riêng đối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trường Mầm non Thủy Tiên 2 (huyện Bình Chánh), nhiều năm trở lại đây, phụ huynh có con học mẫu giáo 5 tuổi quan tâm khá nhiều đến vấn đề học chữ, dẫn đến tình trạng bắt ép con học chữ sớm gây ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe thể chất (cơ xương, cơ tay, sống lưng) và tinh thần của trẻ.

Sau nhiều năm công tác với kinh nghiệm dạy dỗ học sinh 5-6 tuổi, giáo viên này rút ra một số kinh nghiệm là giáo viên không chỉ chuẩn bị cho trẻ về mặt thể lực, tạo môi trường cho trẻ phát triển trí tuệ, tình cảm và các kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, thẩm mỹ mà còn trang bị cho trẻ kỹ năng tự phục vụ như lau mặt, đi vệ sinh, gấp chăn, thay quần áo... Qua đó, trẻ sẽ được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, dễ thích nghi khi thay đổi môi trường học tập ở bậc tiểu học.     

Thông điệp được cô Huỳnh Thị Ngọc Thanh, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (huyện Bình Chánh) đưa ra là "Hãy yêu thương và đối xử công bằng với mọi đứa trẻ". Cô Thanh cho biết, lớp học hiện nay có sĩ số hơn 35 học sinh/lớp, giáo viên thường có xu hướng “thiên vị” những trẻ lanh lợi, thông minh, mặc quần áo thơm tho, sạch sẽ, ngại gần gũi với trẻ học chậm, cá biệt, quần áo không tươm tất.

“Sự thiên vị nhiều khi chỉ là một lời nói, với trẻ này cô nói nhiều hơn, trẻ khác lại kiệm lời, hoặc những lời nói bày tỏ tình cảm yêu thương, cái ôm hay hôn lên má trẻ… Do đó, bậc học mầm non không chỉ đòi hỏi giáo viên phải có tình yêu trẻ mà còn thương yêu một cách đồng đều, không phân biệt đối xử với bất kỳ học sinh nào trong lớp", cô Ngọc Thanh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục