TPHCM số trẻ mắc Covid-19 tăng gấp 3 lần

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải, những ngày qua số ca mắc Covid-19 ở trẻ em tăng cao, cụ thể tuần từ ngày 14-2 đến ngày 21-2 tăng gấp 3 lần so với tuần từ ngày 7-2 đến ngày 13-2 làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến gia đình khi có trẻ bị mắc Covid-19 và ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo

Chiều 24-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các vấn đề dư luận quan tâm dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải.

Thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em

Phó Trưởng ban Chỉ đạo  Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 23-2, TPHCM ghi nhận 524.561 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 523.634 trường hợp mắc trong cộng đồng, 927 trường hợp nhập cảnh.

Hiện, thành phố đang điều trị 2.171 bệnh nhân, trong đó, 144 trẻ em dưới 16 tuổi, 44 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 23-2, có 567 bệnh nhân nhập viện, 153 bệnh nhân xuất viện và không ghi nhận trường hợp tử vong.

Đến ngày 23-2, tổng số mũi vaccine phòng Covid-19 đã triển khai tiêm là 8.113.185 mũi 1; mũi 2 là 7.324.993; 669.904 mũi bổ sung và 4.018.403 mũi nhắc lại.

Theo đồng chí Phạm Đức Hải, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em tăng cao. Cụ thể tuần từ ngày 14-2 đến ngày 21-2 tăng gấp 3 lần so với tuần từ ngày 7-2 đến ngày 13-2, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến gia đình khi có trẻ bị mắc Covid-19 và ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

“Thành phố xác định việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của trẻ em là trên hết và đã có kế hoạch chăm sóc trẻ em bị mắc. Cụ thể là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ (béo phì, bệnh nền)”, ông Phạm Đức Hải khẳng định.

Chiến dịch này gồm: Cung cấp số điện thoại để vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho người thân, người chăm sóc F0; Tập huấn cho giáo viên để giáo viên biết những dấu hiệu để cảnh báo hoặc có thể xử lý trẻ mắc Covid-19; Tập huấn cho hệ thống y tế; phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị; Xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc gia tăng; Tăng cường truyền thông để người dân nắm và hiểu tình hình diễn biến của dịch bệnh; Sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi.

TPHCM số trẻ mắc Covid-19 tăng gấp 3 lần ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết những ngày qua số ca mắc mới của thành phố liên tục tăng, đặc biệt là số học sinh. Theo dự báo, những ngày tới, số học sinh mắc Covid-19 vẫn tăng vì vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cộng thêm việc học sinh đến trường đồng loạt.

Trong số các ca mắc mới của thành phố, số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm ưu thế. Biến chủng này lây lan nhanh, dẫn đến số ca mắc tăng.

Về việc số ca mắc ở trẻ em tăng, thành phố và sở y tế đã có những kế hoạch, chương trình hành động.

Cụ thể, sở Y tế phối hợp với chuyên gia bệnh nhi để xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị khi số trẻ mắc Covid-19 tăng nhanh, xây dựng những kịch bản phối hợp với sở giáo dục để không bị động khi số ca mắc tăng. Thành phố sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 với 3 bệnh viện nhi với hơn 450 giường, trong đó hơn 150 giường hồi sức hô hấp.

“Số ca mắc tăng nhưng gần 90% số ca đang được điều trị tại nhà, tức số ca nặng ít. Các bệnh viện cũng đã có kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng. Sở Y tế sẽ theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ em mắc, phối hợp với sở giáo dục theo dõi tình hình học sinh mắc Covid-19 tại các trường; đồng thời tham mưu với thành phố chương trình hành động để bảo vệ nhóm người nguy cơ là trẻ em”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.

Tăng cường kiểm tra, giám sát bán xăng dầu

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, thời gian qua, TPHCM có tình trạng một số ít cây xăng nhập hàng về không kịp, nhưng sau đó đã nhập hàng và quay lại hoạt động bình thường. Số lượng này nhỏ và được kiểm soát thường xuyên. Tính đến 11 giờ 30 ngày 24-2, thành phố chỉ còn một cửa hàng tại quận Bình Tân còn thiếu xăng RON 95. Cơ sở này đang chờ nhập hàng.

“Sáng 24-2, trước khi xảy ra diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phải túc trực 24/24. Do đó, Cục đã yêu cầu tất cả các đơn vị triệu tập toàn bộ nhân viên nghỉ phép, đảm bảo quân số 100%, luôn có mặt 24/24. Mục tiêu là giám sát tình hình bình ổn thị trường, trước hết ưu tiên mặt hàng xăng dầu, sau đó là mặt hàng thiết yếu. Cục Quản lý thị trường sẽ giám sát việc lợi dụng tăng giá gây hỗn loạn, thiếu mặt hàng thiết yếu”, ông Nguyễn Tiến Đạt thông tin.

TPHCM số trẻ mắc Covid-19 tăng gấp 3 lần ảnh 2 Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM phát biểu
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết chiều 24-2, TPHCM có thêm một cửa hàng xăng dầu tại quận Tân Bình ngưng hoạt động. Nguyên nhân là chủ cửa hàng đang làm thủ tục chuyển nhượng cho chủ mới, nhưng chủ mới không tiếp nhận nên cửa hàng đóng cửa. Theo quy định, thanh tra sở đang thu hồi giấy chứng nhận.

“Thành phố có 11 cửa hàng bán lẻ rơi vào tình trạng thiếu hụt tạm thời một số mặt hàng, đa số là xăng RON 95. Qua kiểm tra, sở nhận thấy các đơn vị này không vi phạm. Thời điểm ngừng kinh doanh do không đủ yêu cầu để hoạt động. Các cửa hàng này đều tập trung nhập hàng ở 4 đầu mối cung ứng xăng dầu. Do đó, Thanh tra sở có quyết định ưu tiên kiểm tra ngay 4 đầu mối này”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin và cho biết trong sáng 24-2, Sở Công Thương và Cục QLTT thống nhất mời Công an TPHCM, Cục thuế TPHCM cùng kiểm tra để xử lý nếu có sai phạm. Đa số cửa hàng sau khi kiểm tra đều khắc phục sai phạm.

Sở Công Thương cũng đã công bố 2 đường dây nóng để người dân, báo chí phản ánh nếu phát hiện sai phạm trong bán xăng dầu trên địa bàn: 0982115717 (ông Lê Hoàng Hải, Phó chánh Thanh tra Sở Công Thương) và 0906778570 (bà Trần Như Quỳnh, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại).

“Với tình hình phức tạp trên thế giới, từ nay nếu có vi phạm hoặc tái phạm, Sở sẽ xử lý chứ không nhắc nhở nữa", ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định.

Trước thực trạng nhiều người dân đến mua thuốc điều trị Covid-19 trong sáng 24-2 mà không được, Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết thời gian qua, Bộ Y tế rất nỗ lực cùng công ty dược hoàn thành cấp phép cho các công ty để cấp phép sản xuất thuốc này. Chiều 23-2, Bộ Y tế đã làm việc với 3 công ty để thống nhất giá bán ra thị trường. Các công ty này cũng đã bán cho các công ty bán lẻ thuốc và các sản phẩm thuốc của 3 công ty đã có mặt tại cửa hàng bán lẻ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đây là thuốc kháng virus - loại thuốc đặc biệt - nên phải thực hiện theo kê đơn. Muốn kê đơn thì bác sĩ phải khẳng định là có bệnh. Còn nếu dương tính chạy ra mua thuốc là không đúng quy định pháp luật.

Hiện Sở Y tế có công văn gửi Bộ Y tế để xin hướng dẫn kê đơn cho bệnh dịch loại A (bệnh Covid-19). Sở hy vọng sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất để không bị vướng và công ty có thể yên tâm bán thuốc cho người dân. “Việc mua bán thuốc không theo kê đơn rất nguy hiểm.

Nếu người dân sử dụng bừa bãi kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc. Sở Y tế sẽ đi kiểm tra và nhắc nhở các nhà thuốc bán thuốc cho người dân khi chưa có hướng dẫn”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cảnh báo và cho biết, đây là vũ khí cuối cùng hiện nay, nếu hủy hoại thì sẽ rất khó khăn cho sau này.

Tin cùng chuyên mục