TPHCM: Số ca tử vong do Covid-19 giảm mạnh

“So với ngày 22-8, có 340 ca tử vong, nay số ca tử vong đã giảm và trở về mức tử vong đầu tháng 8”, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải nhận định. 
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo

Chiều 16-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Giảm thời gian giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca

Mở đầu buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, đến ngày 16-9, TPHCM có 315.623 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện có 41.297 ca đang điều trị, ngày 15-9 có 2.507 bệnh nhân xuất viện, cộng dồn từ 1-1-2021 là 161.007 trường hợp; 160 trường hợp tử vong trong ngày, cộng dồn từ 1-1-2021 là 12.768 trường hợp.

“So với ngày 22-8, có 340 ca tử vong, nay số ca tử vong đã giảm và trở về mức tử vong đầu tháng 8”, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM nhận định. Tổng số mũi vaccine đến 15-9, TPHCM thực hiện được là 8.452.609 mũi, tăng 135.846 mũi so với ngày 14-9. Trong đó, số mũi 1 là 6.667.018, mũi 2 là 1.785.591. Về hoạt động của Trung tâm An sinh, từ 15-8 đến 16-9 đã trao 1.791.160 túi đến tay người dân các quận huyện và TP Thủ Đức, tăng 5.500 túi so với ngày 15-9.

Thông tin về việc TPHCM đề xuất giảm thời gian giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, hiện theo hướng dẫn Bộ Y tế, 2 mũi vaccine AstraZeneca cách nhau từ 8-12 tuần, đối với Pfizer là 3 tuần, Moderna 4 tuần. Khoảng cách các loại vaccine khác nhau, nhưng dao động từ 3-4 tuần, chỉ riêng vaccine AstraZeneca là dài nhất.

Thời gian qua TPHCM thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều chứng cứ cho thấy trong những tình huống đặc biệt có thể giảm thời gian thành 6 tuần. Thực tế, TPHCM đã áp dụng cách rút ngắn này, cụ thể tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã áp dụng cách 2 mũi 6 tuần trong đợt tiêm đầu tiên và cho thấy hiệu quả. Mục đích đề xuất là nhanh chóng phủ mũi 2 cho người dân TP để có miễn dịch cho người dân TP, có cơ sở để ổn định tình hình dịch trên địa bàn.

Giải thích lý do TP áp dụng giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm cao, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, việc xét nghiệm được thực hiện nhiều, có quận huyện thực hiện đến 7 lần xét nghiệm, khi xét nghiệm diện rộng thì số ca cao. Hiện tại chỉ dao động từ 4.000 đến 6.000 ca được phát hiện mỗi ngày. “Con số giảm đáng kể. Trong đợt 1, tỷ lệ dương tính vùng đỏ và cam là 3,6%, đến đợt 2 còn 2,7%, đợt 3 chỉ cón 1,1%. Rõ ràng, con số giảm rất đáng kể. Trong thời gian tới, TP tiếp tục rà soát, tối thiểu 2-3 lần để bóc tách toàn bộ F0 trong cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam phân tích.

Về chăm lo cho lực lượng y tế tuyến đầu, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, thành phố và ngành y tế đã thường xuyên tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, còn thăm hỏi gia đình các nhân viên y tế bị phơi nhiễm, các trạm y tế lưu động với lực lượng quân y là chủ chốt. “Việc chăm lo cho lực lượng tuyến đầu và y tế được TP hết sức quan tâm, không phải chỉ là động viên suông”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khẳng định.

Vẫn cấp bổ sung giấy đi đường khi các đơn vị đề xuất

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP về việc cấp giấy đi đường và kiểm soát shipper lưu thông trên đường trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, về quản lý hoạt động shipper, Công an TPHCM không cấp giấy đi đường mà Sở Công thương gửi danh sách shipper được hoạt động cho Công an Thành phố và cập nhật trên phần mềm để lực lượng công an kiểm soát. Việc quản lý thông qua nhận diện bằng thẻ, băng đeo tay, trang phục, đơn hàng; shipper phải khai báo y tế trên VNEID; shipper phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 2 ngày theo quy định của UBND TPHCM.

Shipper được giao hàng liên quận huyện phải có kết quả xét nghiệm âm tính theo mẫu gộp 2 ngày/lần; nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp được phép hoạt động trong một quận huyện và TP Thủ Đức và có kết quả âm tính 2 ngày/lần. Các quận huyện, đơn vị sẽ nộp danh sách bổ sung để Công an Thành phố cấp bổ sung. Hiện 2/3 quận huyện, phường xã vẫn còn giấy đi đường chưa sử dụng, tuy nhiên Công an TP sẽ cấp phát bổ sung để các đơn vị chủ động cấp phát.  

Đối với các cơ quan báo chí phản ánh giấy đi đường cho nhân viên không đủ cho việc tác nghiệp và phát hành, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an Thành phố cấp giấy đi đường với số lượng hạn chế trên nguyên tắc tối thiểu cần thiết, cho các ngành, tùy theo yêu cầu thực tế và đề xuất của các đơn vị. “Công an Thành phố vẫn cấp bổ sung giấy đi đường khi các đơn vị đề xuất, miễn là đơn vị đảm bảo hoạt động “3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến” và các biện pháp phòng dịch”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở TT-TT Từ Lương, lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí thuộc nhóm A trong 17 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường, do Sở TT-TT quản lý danh sách đề xuất với Công an Thành phố.

Theo quy định, số lượng giấy cấp không quá 10% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, Sở TT-TT đã khảo sát thực tế nhu cầu của từng cơ quan báo chí và cấp số giấy đi đường cao hơn con số 10% để đảm bảo nhiệm vụ chính trị. Ngày 15-9, Sở TT-TT cũng đã có văn bản gửi Công an Thành phố để cấp bổ sung cho lực lượng phóng viên, biên tập viên và nhân viên nhà in và sẽ có kết quả vào ngày 17-9.

Hơn 30.000 shipper được tiêm mũi 1 vaccine

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương, hoạt động của shipper hiện gặp một số khó khăn. Hiện có trên 160.000 shipper đăng ký với 33 doanh nghiệp kinh doanh loại hình này hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20.284 shipper hoạt động, chưa đảm bảo so với nhu cầu. Khi các loại hình được phép kinh doanh hoạt động trở lại, nhưng đường xá hiện bị chặn khá nhiều, shipper chạy liên quận nếu chạy theo bản đồ Google map sẽ không chính xác và mất thời gian.

Ngoài ra, Sở Công thương ghi nhận có hơn 30.000 shipper được tiêm mũi 1 và đủ yêu cầu được tham gia hoạt động đúng quy định. Về việc tổ chức đi chợ 1 tuần/lần, từ ngày 17-9, người dân quận 7 sẽ được triển khai áp dụng với khoảng 51.206 hộ dân. Các hộ gia đình sẽ được phát phiếu đi chợ, người đi chợ phải được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi, đảm bảo 5K, trên địa bàn 1 phường.

Phiếu đi chợ quy định địa điểm và thời gian cụ thể để người dân thực hiện. Để đảm bảo nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm cung ứng cho người dân, TPHCM đã mở các điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối, cụ thể là chợ Bình Điền (ngày 7-9), chợ Thủ Đức (0 giờ 17-9), chợ Hóc Môn (ngày 19-9)

Do việc shipper trước đây hoạt động 1 quận huyện, khi có thông tin shipper hoạt động liên quận, số lượng đăng ký tăng lên khá nhiều. 2 ngày nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tập trung hỗ trợ thực hiện đăng ký, phải đáp ứng đúng yêu cầu mới được đăng ký hoạt động. Ngày 14-9, tổng số shipper hoạt động là 20.284, đã chạy hơn 414.000 đơn hàng. Qua số liệu theo dõi có hơn 30.000 shipper đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian để hoạt động theo quy định.

40.000 trường hợp vẫn khó khăn trong việc học online

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng, đã triển khai 10 ngày học tập trực tuyến. Ngành giáo dục thống kê có trên 75.000 trường hợp học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn về thiết bị, đường truyền, điều kiện kết nối giữa gia đình và nhà trường.

Sau 1 tuần, tổng hợp từ các quận huyện cho thấy vẫn còn 40.000 trường hợp vẫn khó khăn trong chuyện học online. Từ nội lực các đơn vị, nhà trường, mạnh thường quân, rất nhiều sự hỗ trợ cho các em để đảm bảo học online, ngưng đến trường nhưng không ngừng học tập. Trường hợp học sinh không có thiết bị, vẫn được cố gắng đảm bảo chương trình học tập thông qua đài truyền hình, sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm…

Với sự tích cực và hiệu quả của các chương trình “Sóng và máy tính cho em”, các chương trình của Bộ GD-ĐT, thành phố, cho đến các hoạt động của quận huyện, trong tương lai sẽ đảm bảo việc học tập trực tuyến cho học sinh thành phố. Với học sinh về quê tránh dịch không thể về TPHCM có thể liên hệ với đơn vị sở tại để được học trực tiếp, hoặc online với trường học tại TPHCM. Tùy tình hình dịch bệnh của TP và các tỉnh, khi điều kiện cho phép, ngành giáo dục TPHCM sẵn sàng tiếp nhận.

Tin cùng chuyên mục