TPHCM sẽ sơ tán gần 507.000 dân khi gặp bão mạnh

Khi bão mạnh - rất mạnh (cấp 10-13) đổ bộ trực tiếp vào TPHCM, sẽ di dời, sơ tán khoảng 108.140 hộ với 506.918 người ở 24 quận - huyện. Việc di dời, sơ tán dân phải được hoàn thành trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào TPHCM.

Mưa bão, giông gió làm nhà dân ở quận Thủ Đức, TPHCM bị tốc mái cuốn bay. Ảnh: KIỀU PHONG
Mưa bão, giông gió làm nhà dân ở quận Thủ Đức, TPHCM bị tốc mái cuốn bay. Ảnh: KIỀU PHONG

UBND TPHCM vừa ban hành phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào TP. 

UBND TP nhấn mạnh, phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TPHCM được đưa ra nhằm kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm cư kiên cố, chắc chắn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai. Qua đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, bão mạnh - rất mạnh gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu.

Theo phương án, trước khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ vào TPHCM, các sở - ngành, đơn vị, quận - huyện, phường - xã - thị trấn phải trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Đồng thời có phương án phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng ứng phó tại chỗ với lực lượng chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí cán bộ trực tiếp đến các địa bàn xung yếu cùng với cấp ủy - chính quyền địa phương chỉ đạo công tác ứng phó kịp thời và có hiệu quả…
TPHCM sẽ sơ tán gần 507.000 dân khi gặp bão mạnh ảnh 1 Một hộ dân ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức (TPHCM) sửa chữa lại nhà do một cơn mưa bão trong năm 2017 gây hư hỏng. Ảnh: KIỀU PHONG
Trong đó, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP phải xác định các khu vực xung yếu để tập trung huy động lực lượng, phương tiện, vật tư chi viện đúng mức cho địa phương phòng, tránh và tổ chức sơ tán, di dời dân kịp thời, an toàn.

Sở GD-ĐT cùng UBND các quận - huyện kiểm tra các trường học, cơ sở dạy nghề để chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên.

Cùng với đó yêu cầu các trường không tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch, sinh hoạt ngoại khóa tại huyện Cần Giờ khi bão có hướng di chuyển vào TP hoặc theo cảnh báo của cơ quan chức năng.

Sở GD-ĐT cũng phối hợp với các quận - huyện tổ chức cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão, bão mạnh - rất mạnh sẽ đổ bộ trực tiếp vào TPHCM.

Phương án cũng lưu ý UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị chu đáo kế hoạch di dời dân từ xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở ven sông, ven biển, trong rừng phòng hộ, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà không đảm bảo an toàn đến các địa điểm tránh trú kiên cố để khi có lệnh của UBND TP hoặc Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP phải di dời ngay.

Ngoài ra, các quận - huyện ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè và các sông lớn khác hoặc ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao như huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2… phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động sơ tán, di dời dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.

TPHCM sẽ sơ tán gần 507.000 dân khi gặp bão mạnh ảnh 2 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang (bìa phải) thăm hỏi, hỗ trợ một hộ dân ở quận Thủ Đức bị ảnh hưởng bởi mưa bão trong năm 2017. Ảnh: KIỀU PHONG
Phương án cũng nhấn mạnh, khi có bão, bão mạnh - rất mạnh sắp đổ bộ trực tiếp vào TPHCM thì các quận - huyện, phường - xã - thị trấn và cơ quan chức năng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị đổ, sập và những khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Cụ thể, khi bão cấp 8-9 sắp đổ bộ trực tiếp vào TP thì dự kiến có khoảng 106.326 hộ với 500.047 người trên địa bàn 24 quận - huyện phải di dời, sơ tán.

Riêng huyện Cần Giờ di dời, sơ tán khoảng 1.243 hộ với 4.400 người. Trong đó, xã đảo Thạnh An sơ tán cục bộ tại trung tâm xã 142 hộ với 750 người. Các xã còn lại tổng cộng di dời, sơ tán khoảng 1.101 hộ với 3.650 người.

Việc di dời phải hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn TPHCM.

Đặc biệt, khi bão mạnh - rất mạnh (bão cấp 10-13) sắp đổ bộ trực tiếp vào TPHCM thì dự kiến có 108.140 hộ với 506.918 người trên địa bàn 24 quận -huyện sẽ di dời, sơ tán.

Riêng, huyện Cần Giờ tổ chức di dời, sơ tán 2.318 hộ với 8.315 người. Trong đó, toàn bộ người dân trên địa bàn xã đảo Thạnh An (khoảng 1.217 hộ với 4.665 người) sẽ phải di dời, sơ tán vào đất liền.

Cùng đó, các hộ dân sống ở các khu vực xung yếu và ven biển tính từ bờ biển vào đất liền khoảng 500 m cũng phải di dời, sơ tán đề phòng nước dâng do bão. Bao gồm xã Long Hòa, xã Lý Nhơn, thị trấn Cần Thạnh với tổng cộng khoảng 628 hộ với 1.967 người. Các xã Bình Khánh, xã Tam Thôn Hiệp, xã An Thới Đông cũng di dời, sơ tán khoảng 473 hộ với 1.683 người.

Trong tình huống này, việc di dời, sơ tán dân phải được hoàn thành trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào TPHCM.

49 khu vực xung yếu ở quận 1 cần ứng cứu, dời dân

Về lực lượng, TPHCM dự kiến huy động khoảng 29.000 - 30.000 người tham gia phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào. Trong đó, lực lượng chuyên trách cấp TP khoảng 4.000 người; lực lượng của quận - huyện khoảng 9.000 - 10.000 người và lực lượng của ban - ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên tại các xã - phường - thị trấn khoảng 16.000 người.

Theo phương án, khi có bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ vào TPHCM thì phải sơ tán, di dời ở 24 quận - huyện, kể cả khu vực trung tâm.

Trường hợp khi bão mạnh - rất mạnh (cấp 10-13) đổ bộ trực tiếp vào TPHCM thì địa phương phải di dời, sơ tán dân nhiều nhất là quận 8 với gần 22.200 hộ (khoảng 86.750 người). Kế đến là quận Gò Vấp với gần 10.190 hộ (71.300 người dân); quận 4 với gần 15.230 hộ (khoảng 63.530 người)…

Đặc biệt, ở các quận trung tâm cũng phải di dời, sơ tán dân như quận 1 di dời, sơ tán hơn 2.230 hộ (gần 12.130 người), quận 3 di dời, sơ tán gần 3.690 hộ (khoảng 14.820 người).

Phương án cũng xác định khu vực xung yếu cần tổ chức ứng cứu, di dời dân khi có bão đổ bộ trực tiếp vào như quận 3 (41 khu vực), quận 4 (40 khu vực), quận Bình Tân (29 khu vực)…

Trong đó, quận 1 là địa phương có số khu vực xung yếu nhiều nhất trên toàn địa bàn TPHCM với 49 khu vực. Cụ thể, gồm 15 khu vực tại phường Nguyễn Thái Bình (tại hẻm 100 Nguyễn Công Trứ, chung cư 35-37 Bến Chương Dương, chung cư 14 Tôn Thất Đạm, chung cư 46-48 Tôn Thất Đạm - khu phố 1, chung cư 146 Nguyễn Công Trứ, chung cư 47-57 Nguyễn Thái Bình - khu phố 2, hẻm 95 Phó Đức Chính, hẻm 108 Calmette - khu phố 3, nhà tập thể 10-12 Yersin; chung cư 281 Nguyễn Công Trứ, hẻm 1 Yersin - khu phố 4, chung cư 71-73 Calmette; chung cư 284-286 Nguyễn Công Trứ - khu phố 5, chung cư 61 Trần Hưng Đạo, chung cư 59 Lê Thị Hồng Gấm - khu phố 6); 7 khu vực tại phường Tân Định (khu dân cư dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các khu dân cư khu phố 4, 5, 6, 7, 8 và 9); 5 khu vực tại phường Phạm Ngũ Lão (khu dân cư hẻm 241 Phạm Ngũ Lão, hẻm 120 Trần Hưng Đạo, đường Đỗ Quang Đẩu, hẻm 162 Bùi Thị Xuân và hẻm 282 Cống Quỳnh)…

Tin cùng chuyên mục