TPHCM: Sau 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến trường đã tăng lên

Sáng 24-12, gần 300 cán bộ quản lý phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, đại diện các trường THPT công lập, trường phổ thông ngoài công lập đã tham gia buổi họp giao ban về công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong giữ khoảng cách khi vào trường. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong giữ khoảng cách khi vào trường. Ảnh: CAO THĂNG

Bà Nguyễn Thị Kim Uyên, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 10 cho biết, tuần qua quận 10 là địa phương duy nhất của TPHCM chuyển đổi từ cấp độ dịch 2 lên cấp độ 3.

Trước tình hình đó, quận 10 đã triển khai các tổ công tác kiểm tra kế hoạch và phương án phòng chống dịch bệnh tại các trường học, thực hiện tách lớp cho học sinh, chia hai ca học vào các ngày chẵn (thứ 2, 4, 6) và ngày lẻ (3, 5, 7) cũng như triển khai hoạt động đối với các tổ xử lý tình huống dịch bệnh tại trường học.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị, hầu hết F0 là học sinh được phát hiện tại nhà. Trung tâm y tế địa phương đã hỗ trợ các trường trong việc tổ chức test nhanh cho tất cả học sinh và giáo viên là F1. Ghi nhận cho thấy, tổng số ca F0 được phát hiện trong tuần thứ 2 thấp hơn tuần đầu tiên học sinh đến trường.

Tại quận 4, đại diện Phòng GD-ĐT quận cho biết, tuần qua không phát hiện trường hợp F0 là học sinh tại trường học. Đối với các F0 đã phát hiện trước đó, các trường tổ chức cho học sinh tham gia học trực tuyến tại nhà, giáo viên gửi bài tập qua mail hoặc các công cụ dạy học trực tuyến.

Tại TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức thông tin, tỷ lệ học sinh hai khối 9 và 12 trở lại trường học những ngày đầu tiên thực hiện thí điểm chỉ hơn 80%. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 92% . Các ca F0 là học sinh được phát hiện trong trường học đều được xử lý theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, không để xảy ra tâm lý hoang mang trong nhà trường.

Hiện nay, TP Thủ Đức đang gấp rút triển khai tiêm vaccine cho những học sinh khối 7 có ngày sinh vào cuối năm (tháng 12) nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các em trở lại trường.

Về tình hình đội ngũ, nhiều giáo viên hiện nay vừa tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch ở địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và các công tác chuyên môn khác trong nhà trường. Ngoài ra, địa phương còn một số cơ sở giáo dục được trưng dụng làm điểm tiêm phục vụ chiến dịch tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn.

TPHCM: Sau 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến trường đã tăng lên ảnh 1 Sau 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến trường đã tăng lên, phụ huynh an tâm hơn với công tác tổ chức dạy học của các trường

Ở bậc THPT, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) Lê Thị Uyên cho biết, đơn vị thí điểm đón học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày 20-12. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường phân luồng học sinh thành 4 lối di chuyển, tại mỗi lối di chuyển đều có một máy đo thân nhiệt, đảm bảo thực hiện yêu cầu về giãn cách học sinh.

Vào đầu giờ học, giờ ra về và giờ giải lao đều có giáo viên giám sát, phân chia khu vực sân chơi cho từng lớp để tránh trường hợp học sinh tụ tập. Sau 5 ngày dạy học trực tiếp, đơn vị chưa phát hiện trường hợp học sinh là F0 và F1 trong trường học, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đến trường đạt tối đa 100%.

Tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), Hiệu trưởng Bùi Trí Hiệp cho biết, đơn vị thực hiện chia nhỏ số lượng học sinh thành nhiều tổ khi tổ chức các hoạt động, tăng cường lực lượng giám sát gồm 20 giáo viên quan sát học sinh trong giờ giải lao và giờ ra về. Ngoài ra, đơn vị còn đưa thêm vào sử dụng 7 bồn rửa tay kiên cố tạo điều kiện cho học sinh rửa tay thường xuyên ở nhiều khu vực trong khuôn viên trường. Tỷ lệ học sinh khối 12 đến trường đạt hơn 95%.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP) đề nghị các cơ sở giáo dục nghiên cứu kỹ các phương án tổ chức cho học sinh đến trường theo kế hoạch chung của UBND TPHCM và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trong đó, trường học cần quan tâm quyền được đến trường của học sinh trong bối cảnh dạy và học trên internet còn nhiều hạn chế.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học của UBND TPHCM, học kỳ 1 năm học 2021-2022 bắt đầu từ ngày 6-9-2021 và sẽ kết thúc vào giữa tháng 1-2022. Trong đó, lịch kiểm tra học kỳ 1 được tổ chức trễ hơn so với kế hoạch ban đầu để đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng vẫn không ảnh hưởng kế hoạch thời gian năm học. Cụ thể, các trường sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ 1 cho học sinh từ ngày 10 đến ngày 20-1-2022.

Nếu cơ sở giáo dục tiếp tục lùi thời gian dạy học trực tiếp, trường hợp bất khả kháng sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ 1 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nếu thời gian trở lại trường học của học sinh được dời lại quá lâu thì lịch kiểm tra học kỳ 1 sẽ bị chồng chéo với một số hoạt động kiểm tra khác, gây ảnh hưởng quyền lợi học sinh.

Chỉ đạo tại buổi họp, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện đánh giá tình hình tổ chức dạy học trực tiếp trong 2 tuần qua để có cơ sở đề xuất phương án mở rộng đối tượng học sinh đến trường từ ngày 3-1-2022.

Trong tuần lễ từ ngày 27 đến ngày 31-12-2021, học sinh hai khối 9 và 12 vẫn đi học trực tiếp bình thường, riêng huyện Cần Giờ tiếp tục duy trì kế hoạch thực hiện như 2 tuần qua.

Tới đây, Sở GD-ĐT TP sẽ tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ nhân viên y tế tại các trường học để phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND TPHCM một số đề xuất bổ sung lực lượng cho các trường học.

Riêng đối với các đơn vị ngoài công lập, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP lưu ý, các trường phải thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống dịch vừa đảm bảo lộ trình học tập theo đúng cam kết ban đầu với cha mẹ học sinh. Trong đó, các hoạt động tổ chức trong trường học như bán trú, nội trú, xe đưa đón học sinh cần được quan tâm thực hiện với nhiều phương án an toàn để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe học sinh.

Tin cùng chuyên mục