TPHCM sẵn sàng cho nhiệm kỳ không tổ chức HĐND quận, phường

Cùng với cử tri cả nước, cử tri TPHCM vừa bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cũng từ nhiệm kỳ này, TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị, trong đó sẽ không tổ chức HĐND quận, phường. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng cho mô hình tổ chức mới.

Không trở ngại trong sắp xếp nhân sự

Tại các quận, việc sắp xếp nhân sự dôi dư khi không tổ chức HĐND quận, phường đã sớm hoàn chỉnh một cách thuận lợi.

Tại quận 11, Trưởng Phòng Nội vụ quận Tô Thị Thanh Thúy thông tin, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở TPHCM, trên địa bàn quận dôi dư Phó Chủ tịch HĐND quận, nhân sự của các Ban HĐND quận, 16 Phó Chủ tịch HĐND phường. Quận ủy và UBND quận 11 đã lên phương án sắp xếp, bố trí vị trí công tác mới cho các cán bộ sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021.

Bà Tô Thị Thanh Thúy cho biết thêm, do trước khi bố trí vị trí công tác mới, quận đã gặp gỡ từng cá nhân làm công tác tư tưởng nên không gặp trở ngại gì trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự. Mặt khác, trước đây TPHCM đã từng thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường và đạt kết quả tốt nên công tác sắp xếp hiện nay cũng thuận lợi hơn.

TPHCM sẵn sàng cho nhiệm kỳ không tổ chức HĐND quận, phường ảnh 1 Giải quyết hồ sơ cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận 11. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Ở quận 10, một lãnh đạo UBND quận cho hay, theo quy định tại Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, HĐND quận vẫn hoạt động đến ngày 30-6-2021. Về công tác cán bộ, đối với cán bộ chuyên trách HĐND quận và phường, Ban Thường vụ Quận ủy đã có phương án sắp xếp tùy theo nguyện vọng, năng lực công tác. Theo vị lãnh đạo này, lý luận và thực tiễn đã chứng minh, việc không tổ chức HĐND quận, phường là một hình thức phù hợp.

Theo thống kê của Sở Nội vụ TPHCM, trong nhiệm kỳ 2016-2021, số lượng đại biểu HĐND của 19 quận là 757 người. Tổng số biên chế được giao cho 19 quận là 76 người. Tính đến tháng 9-2020, số đại biểu chuyên trách HĐND quận là 68 người.

Trong khi đó, HĐND phường trong nhiệm kỳ 2016-2021 có số lượng đại biểu là 7.321 người. Mỗi phường có 1 phó chủ tịch chuyên trách HĐND phường. Tổng số biên chế được giao cho 259 phường là 256 người. Tính đến tháng 9-2020, số phó chủ tịch HĐND phường là 248 người.

Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã (do không tổ chức HĐND) sẽ hoàn thành trước ngày 1-7-2021. Theo Sở Nội vụ, các bước sắp xếp bắt đầu từ sắp xếp nội bộ, rồi sắp xếp mở rộng, giải quyết chế độ chính sách đối với trường hợp muốn thôi việc hoặc không thể tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác.

Thông suốt bộ máy

Bên cạnh câu chuyện nhân sự luôn được quan tâm, thì việc không tổ chức HĐND quận, phường trong nhiệm kỳ này còn được kỳ vọng sẽ mang đến hiệu quả công việc cao hơn.

Lãnh đạo UBND quận 10 phân tích, công tác quản lý hành chính sẽ bớt rườm rà hơn. Công chức của phường trở thành công chức chung nên việc điều động cán bộ rất thuận lợi. Khi không còn cơ chế giám sát của HĐND, bản thân chính quyền địa phương, cụ thể là UBND quận, phường phải tự công khai, chủ động báo cáo MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội, cấp ủy về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Vì vậy, UBND quận, phường sẽ phải nhanh nhạy hơn, trách nhiệm cao hơn. Theo lãnh đạo quận 1, công tác giám sát khi không tổ chức HĐND quận, phường vẫn được đảm bảo. Cụ thể, theo hướng dẫn của Nghị định 33 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131 của Quốc hội, trước mỗi kỳ họp HĐND TPHCM, UBND quận phải gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với cử tri.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu khẳng định, khi không tổ chức HĐND quận, phường, MTTQ sẽ phát huy hơn nữa vai trò giám sát của mình, góp phần đảm bảo quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân. MTTQ sẽ có sự phối hợp, phân vai khoa học để việc giám sát nhịp nhàng, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ ngỏ những vấn đề người dân quan tâm bức xúc. MTTQ cũng sẽ phối hợp để tổ chức nhiều hơn, hiệu quả hơn các cuộc tiếp xúc giữa ĐB HĐND TPHCM, ĐBQH với cử tri thành phố, các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân.

Thời gian qua, sự tham gia của người dân xây dựng chính quyền ngày một hiệu quả, dân chủ trực tiếp ngày càng được mở rộng. Tại các địa phương, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn luôn được chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động.

Trong đó tập trung vào các nội dung như: giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; việc thu chi các quỹ vận động, các nguồn thu trong dân; công tác cải cách hành chính; công tác trật tự xây dựng; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.

Qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến các đơn vị chức năng để khắc phục có hiệu quả. Những hình thức giám sát này cũng sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới khi TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường.

Tăng sức mạnh cho HĐND TPHCM

Trong mô hình chính quyền đô thị, HĐND TPHCM được bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, phường như: quyết định các vấn đề về ngân sách quận; giám sát hoạt động của UBND quận, phường và TAND, VKSND quận; lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch UBND quận... Nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động khi nhận thêm nhiệm vụ, mỗi ban (4 ban) thuộc HĐND TPHCM được bổ sung một ủy viên hoạt động chuyên trách. Bên cạnh tiền lương, người này được hưởng phụ cấp chức vụ bằng trưởng phòng cấp sở. Những nội dung này nhằm “gia tăng sức mạnh” cho HĐND TPHCM hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tin cùng chuyên mục